Nền kinh tế Việt Nam năm 2022 đã đạt được mức tăng trưởng GDP 8,02%, cao nhất 12 năm qua trong bối cảnh các nền kinh tế lớn trên toàn cầu đối mặt nhiều thách thức về lãi suất, lạm phát và khả năng suy thoái cao. Bước sang năm 2023, Việt Nam vẫn được các tổ chức kinh tế uy tín lớn trên thế giới dự báo sẽ tiếp tục đạt được mức tăng trưởng lạc quan nhờ vào các nguồn động lực hiệu quả.
Vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI)
FDI đã đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong nhiều năm qua kể từ năm 2012 đến nay. Tốc độ giải ngân FDI vẫn tăng trưởng đều đặn qua từng năm và trở thành điểm sáng cho động lực tăng trưởng trong bối cảnh đầu tư và thương mại quốc tế suy giảm trên toàn cầu. Năm 2022, vốn FDI thực hiện đạt 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm 2021 và năm 2023 dự kiến con số vẫn tiếp tục tăng nhẹ. Môi trường chính trị ổn định, chi phí lao động thấp và vị trí chiến lược khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Xu hướng tích cực này dự kiến sẽ tiếp tục trong năm 2023, với việc xuất hiện thêm nhiều tên tuổi lớn có mặt tại Việt Nam như Lego ( đầu tư nhà máy hơn 1 tỷ USD), Far Eastern (610 triệu USD), New Motion (185 triệu USD)…
Thúc đẩy chi tiêu cho cơ sở hạ tầng
Đầu tư cơ sở hạ tầng là một lĩnh vực khác mà Việt Nam đã và đang đạt được những bước tiến mạnh mẽ trong hơn 10 năm qua với mức chi tiêu cho cơ sở hạ tầng đứng đầu trong khối ASEAN (hơn 6% GDP). Giai
đoạn 2010 – 2020, Việt Nam đã hoàn thành những cột mốc quan trọng như: hoàn tất 1/3 tuyến đường cao tốc Bắc Nam với độ dài 1500 km. Các tuyến giao thông từ Hà Nội đến Trung Quốc được thành lập để hỗ
trợ dòng chảy thương mại. Bên cạnh đó, các khu công nghiệp ở phía Bắc cũng như khu vực Đà Nẵng được kết nối với cảng biển nước sâu và sân bay. Giai đoạn tiếp theo từ 2021 – 2030, Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung đầu tư mạnh hơn cho cơ sở hạ tầng với kế hoạch tổng thể quốc gia chi tiết trị giá 200 tỷ đô la sẽ được hoàn thiện vào nửa đầu năm 2023. Các thành phần chính trong giai đoạn này gồm mục tiêu đến 2030 cả nước có 5000 km đường cao tốc, cải thiện kết nối tại khu vực miền Nam từ các khu công nghiệp đến các cảng logistic trọng điểm. Đối với giao thông nội thành, Việt Nam tập trung hoàn thành các tuyến metro tại Hà Nội và TP HCM, đường vành đai. Các sân bay lớn sẽ được nâng cấp, cụ thể là dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành của TP.HCM đã được động thổ vào ngày 4/2023.
Sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và thúc đẩy tăng trưởng GDP bình quân đầu người
Tầng lớp trung lưu ngày càng tăng với thu nhập cao hơn cũng đang thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khi chi tiêu của người tiêu dùng tăng lên. Trên thực tế, thu nhập và chi tiêu của người dân Việt
Nam đã tăng đều đặn trong các năm qua.
Trong năm 2022, Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023 được Quốc Hội thông qua đã đặt mục tiêu đưa GDP bình quân đầu người đạt 4.500 USD, cao hơn 9% so với 2022, đây là mức GDP đầu
người của các nền kinh tế có thu nhập trung bình cao (trên mức 4.000 USD). Dự kiến đến 2030, Việt Nam sẽ có thêm 50 triệu người gia nhập tầng lớp tiêu thụ với mức chi tiêu từ 11 USD – 30 USD/ngày, chiếm vị
trí thứ 10 trên bảng tổng sắp 10 thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới.
Triển vọng cho năm 2023
Nếu như năm 2022 là năm khó lường với nhiều biến động do tác động từ lãi suất cao và tình hình lạm phát, thì sang năm 2023, triển vọng nền kinh tế có thể biến chuyển theo chiều hướng tích cực hơn với những chủ
điểm quan trọng sau:
Môi trường trên toàn cầu đươc cải thiện, Việt Nam hưởng lợi từ điều này: IMF đã điều chỉnh tăng dự báo GDP toàn cầu, Mỹ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách giám sát thao túng tiền tệ, và Moody’s & Fitch gần
đây đã thay đổi mức đánh giá tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên mức “Tích cực” từ “Ổn định” đều là các sự kiện tích cực. Khi các dòng vốn đầu tư đang được khuyến khích bởi sự suy yếu của đồng USD, tất cả những điều này đều hướng đến một bối cảnh kinh tế nhiều triển vọng hơn dự kiến, từ đó khẳng định lợi ích tiềm năng cho ngành sản xuất Việt Nam.
Ngành Du lịch và Dịch vụ sẵn sàng cho tăng trưởng: Du lịch đang chứng kiến sự phục hồi vững chắc với các chuyến bay nội địa vượt qua cả mức trước đại dịch Covid vào năm 2022, dẫn đến số lượng hành khách đông kỷ lục tại sân bay lớn nhất của Việt Nam vào dịp Tết Nguyên Đán. Các nước khác trong khu vực đã hồi phục chậm hơn do các hạn chế liên quan đến Covid, nhưng chúng tôi dự đoán con số sẽ bắt đầu tăng vào năm 2023 khi các hạn chế này được nới lỏng, cùng với việc Trung Quốc mở cửa sẽ mang lại đà tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Ngành du lịch chiếm 12% GDP của Việt Nam, và khách Trung Quốc đã đóng góp 32% vào số này trong những năm trước Covid.
Đầu tư nội địa là một trong những chủ đề chính cho năm 2023, với sự tập trung vào việc đẩy mạnh đầu tư công cho hạ tầng: Chính phủ Việt Nam thể hiện tinh thần quyết liệt hơn bao giờ hết với ngân sách gần 30 tỷ đô la, và năm 2023 của Việt Nam sẽ là năm có mục tiêu rất cao để chinh phục. Bộ Giao thông vận tải vừa được Chính phủ giao hơn 4 tỷ đô la để phân bổ trong năm 2023, gấp 1,7 lần so với ngân sách năm ngoái.
Với các chương trình như vậy được đẩy nhanh, chúng tôi tin rằng mục tiêu tăng trưởng GDP chính thức 6%-6,5% là khả thi.
Các chính sách của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn của thị trường: Nghị định 08 sửa đổi Nghị định 65 vừa mới được Chính phủ ban hành vào tháng 3/2023 với mục tiêu tháo gỡ khó khăn trên thị trường trái phiếu và bất động sản. Trước đó Thông tư số 26 /2022/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2019/TTNHNN quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được dự báo sẽ không thay đổi, nhưng bây giờ dường như đang cho thấy dấu hiệu nới lỏng.
Điều này sẽ hỗ trợ tính thanh khoản của hệ thống và tạo ra một môi trường bình ổn hơn trong lĩnh vực ngân hàng. Hiện nay, chúng ta có thể thấy các biện pháp khắc phục mối lo ngại về thanh khoản năm 2022 của Chính Phủ đang phát huy tác dụng, điều này sẽ giúp cho các lĩnh vực bất động sản và ngân hàng, có tỷ trọng vốn hóa chiếm hơn một nửa chỉ số VN-Index, tránh khỏi khủng hoảng để rồi từ từ lấy lại đà tăng trở lại.
Bài: Dragon Capital Vietnam