Navigator Business & Entrepreneurs
Editor's PicksFeaturedLeaders

Doanh nhân Dương Đỗ: “Khi mình có một thế giới bên trong …”

Dương Đỗ, nhà sáng lập và CEO của Toong hẹn tôi tại địa điểm 126 Nguyễn Thị Minh Khai (Tp.HCM) vốn là một xưởng in lâu đời được cải tạo. Chúng tôi ngồi bên cạnh một quầy cà phê đặt ngay trung tâm, bên trên là giếng trời mở rộng soi rọi vườn cây trong nhà và xung quanh nhộn nhịp các thành viên qua lại. Tôi đến nơi cũng kịp lúc anh vừa hoàn tất tách cà phê đầu tiên – khoảng thời gian “riêng tư thiêng liêng” trong ngày. 

Công thức kinh doanh Coworking Space
Mỗi địa điểm của Toong đều có câu chuyện riêng. Anh chủ động đi tìm hay chúng tự tới?

Thật tâm, tôi muốn và trân trọng những địa điểm có câu chuyện riêng nhưng không phải bằng cách đi lùng sục bằng được. Hơn 5 năm nay, tôi chưa bao giờ phải đi tìm. Chủ nhà, đối tác họ cảm nhận được qua những gì mình đã làm và họ chủ động đề xuất hợp tác. May mắn, các địa điểm đều có những câu chuyện hay. Mặt khác, bản thân địa điểm có câu chuyện và được biết đến vì mình có khả năng nhìn được giá trị và biết cách kể câu chuyện đó ra.

Chẳng hạn, địa điểm tại 126 Nguyễn Thị Minh Khai – TP.HCM là một xưởng in cũ. Họ đã từng giao cho thuê cả chục năm nhưng chưa tìm được khách thuê lâu dài phù hợp. Hay căn biệt thự do KTS Ngô Viết Thụ thiết kế ở Phạm Ngọc Thạch trước đây đã trải qua bao nhiêu đời khách làm nhà hàng, quán ăn và bị bịt kín…Tới lượt Toong đến thì những câu chuyện ấy mới được mang ra kể với đại chúng. Đó là kết quả từ cả 2 phía. Trong quá trình làm, tôi kiên định với những giá trị mình tin tưởng. Sau đó, khi được biết đến thì họ sẽ chủ động tìm đến mình, họ cùng tin vào những giá trị mà Toong có thể mang lại và cùng chia sẻ.

Sau dịch, người ta nói nhiều về xu hướng làm việc tại nhà. Liệu mô hình coworking space có bị ảnh hưởng?

Tháng 11 năm 2021, Toong chỉ mất 5 tuần để đạt tỷ lệ lấp đầy ngang với trước khi Sài Gòn giãn cách.Các trạm mới của Toong có nhiều tín hiệu khác biệt. Hồi đầu, chúng tôi phải hoàn thiện không gian, khách đến xem tận mắt rồi họ mới quyết định. Bây giờ, khi mình mới công bố ý tưởng thiết kế là khách đã xuống cọc luôn rồi. Sau dịch, nhu cầu tại coworking space ngày càng cao. Mức độ lấp đầy của Toong tại Tp.HCM từ đầu năm tới nay luôn trên 90%. Phần hổng là do khách ra khách vào và ở các trạm mới khai trương cần thời gian lấp đầy. Về mặt bằng giá cũng tăng lên. Đối tượng khách hàng ghi nhận các công ty nước
ngoài, các công ty có thời gian hoạt động lâu đời có xu hướng chuyển về Toong nhiều hơn. Khách hàng xem xét độ tin cậy của đơn vị cung cấp địa điểm xuất phát từ kinh nghiệm trước đây khi họ phải chuyển đi giữa chừng do đơn vị cung cấp trước đóng cửa hay trả địa điểm, gây nhiều xáo trộn trong việc vận hành.

Ở một khía cạnh nào đó, khách hàng vẫn nhìn được giá trị của một coworking space, họ đánh giá cụ thể hơn và có được nhận định rõ ràng hơn.

Điều gì khiến một số chuỗi coworking space sụp đổ?

Do không linh hoạt. Trong start-up, có một giai đoạn rộ lên cụm từ “business model” (mô hình kinh doanh). Cái từ “model” đó là từ chết người. Chúng ta cố công thức hóa mọi thứ theo tư duy đồ ăn nhanh. Các nhà đầu tư, mentor…của các start-up founder cố gò nhau, hướng dẫn nhau là các anh chị phải ra được một công thức cứng rồi từ đấy nhân lên. Cuộc sống vốn dĩ không như vậy. Nếu có công thức thì nên là một công thức mềm.

Trong trường hợp coworking space, chúng ta dễ rơi vào công thức cứng về thiết kế không gian như tối đa/tối thiểu phải là bao nhiêu mét, nằm trong tòa nhà nào, điều kiện vật chất phải ra sao… cho nên mới ra đời các mô hình mà về mặt biểu hiện bên ngoài, thiết kế phần nhìn có vẻ hơi khác nhau nhưng biên độ giá lại như nhau, phục vụ đúng cho một nhóm khách hàng như thế, phân khúc thị trường bị hẹp.

Nếu tham chiếu từ các giá trị căn bản của một coworking space cung cấp cho doanh nghiệp thì rõ ràng cho dù doanh nghiệp có ngân sách cao, thấp hay trung bình vẫn có thể đáp ứng được. Vậy chúng ta cần có khả năng đa dạng hóa và ứng biến mô hình của mình vào trong các hoàn cảnh bất động sản khác nhau, các khu vực, địa thế mặt bằng khác nhau…thì mới có đầu vào khác nhau (“đầu vào”: nguồn cung mặt bằng – PV). Ví dụ ban đầu đâu ai nghĩ một cái nhà xưởng cũ như này có thể cải tạo để làm văn phòng làm việc. Nhưng khi chúng tôi có được chỗ này với chi phí đầu vào thấp hơn, chúng tôi có thể phục vụ được cả các khách có ngân sách ít nhưng giá trị thụ hưởng vẫn nhất quán.

Vấn đề là không phải khách hàng có điều kiện ngân sách không có nhu cầu nâng cao môi trường làm việc cho anh em trong công ty, mà trái lại họ có nhu cầu nhiều hơn nữa để phát triển. Do đó, linh hoạt ứng biến thì mới nắm bắt được thị trường rộng hơn. Khi mình phục vụ được biên độ khách hàng rộng thì nếu có biến cố gì về mặt kinh tế, rủi ro sẽ được dàn trải.

Trong giai đoạn Covid, doanh thu của nhiều đơn vị coworking space hoặc cho thuê văn phòng đều về 0 hết. Nhưng tại Toong, có vài chục phần trăm khách hàng thuộc lĩnh vực thiết yếu, họ vẫn phải hoạt động và được phép đi làm nên doanh thu của Toong dù bị ảnh hưởng nặng nhưng vẫn còn duy trì.

Toong linh hoạt được vì Toong được đầu tư, trường vốn. Còn các nhà cung cấp nhỏ hơn chỉ có thể tập trung vào một khía cạnh, một phân khúc và học tập mô hình đã thành công cũng là cách để vào thị trường nhanh?

Đó là một lời bào chữa thôi. Toong không phải đơn vị chuyên đi gọi vốn. Chúng tôi có được khoản đầu tư ban đầu 7 con số nhưng từ 2016 tới giờ Toong hoạt động từ dòng tiền tự thân và không gọi thêm vốn. Nếu là start-up thì phải lượng sức xem mình có khả năng phục vụ nhóm đối tượng nào. Khi khá hơn sẽ mở rộng sau. Nếu ốp tư duy công thức cứng vào thì nó chỉ phù hợp với nền kinh tế công nghiệp mấy chục năm trước. Giờ là thời đại dịch vụ, cảm xúc rất đa dạng. Suy cho cùng, ta phải nhìn bức tranh lớn.

Khi Toong mới thành lập, anh chia sẻ sự khác biệt của Toong là không gian mang “bản sắc Việt Nam”. Với Toong ở nước ngoài, bản sắc Việt được thể hiện ra sao?

Ở Việt Nam, chúng tôi thể hiện bản sắc Việt một cách thời thượng. Nhưng với Toong ở nước ngoài, chúng tôi sẽ cổ súy bản sắc tại vùng đất đó chứ không áp chế bằng cách mang văn hóa nước mình đặt trong nước người ta và buộc họ phải thích mình. Quan điểm của tôi là mỗi vùng đất có giá trị riêng, chính sự khác biệt mới làm nên giá trị. Không gian hay cộng đồng nào có khả năng nhìn nhận, chắt lọc, cổ vũ giá trị văn hóa bản địa đều là biểu hiện của tri thức và cấp tiến. Có thể họ nhận ra hoặc chỉ cảm nhận, không gọi tên được nhưng ít nhất họ đã có sự đồng cảm.

“Khi mình có một thế giới bên trong…”

Sau 7 năm, coworking space đã mang lại cho anh điều gì?

Tôi thấy mình bản lĩnh hơn, tự tin hơn trong các quyết định. Trong những thời điểm khó khăn nhất, mọi người ngạc nhiên vì sự bình tĩnh của mình. Chẳng hạn trong dịch, một công ty thông báo có ca nhiễm và cả trạm đó bị phong tỏa. Ngay trong hôm đó tôi gửi đi một email thông báo toàn hệ thống rằng những ai đã được sàng lọc và có giấy chứng nhận của cơ quan chức năng thì sẽ được hỗ trợ sang những trạm khác. Khách ở những trạm khác nếu có nhu cầu ngồi ở các trạm gần nhà hơn hoặc để phân tán rủi ro cũng sẽ được hỗ trợ phân bổ sang các nơi khác mà không tính thêm phí. Một số đơn vị đọc không kỹ email đã phản đối rất quyết liệt vì họ sợ bị lây chéo. Các bạn trong công ty lo lắng vì khách hàng lớn dọa sẽ bỏ đi, nhưng tôi không thu hồi email và kiên định với quyết định ấy. Tôi không muốn phải phân biệt đối xử hay bỏ rơi ai cả. Mình không làm gì sai. Cũng vì thế nên sau khi mở cửa lại, nhiều khách quay về với Toong.

Anh có mất gì không, trong quá trình “được” ấy?

(Trầm ngâm) Tôi mất nhiều. Tôi mất nhiều người thân. Có lúc tôi đã đứng trước ngưỡng phải chọn theo lý tưởng hay người thân. Đó là một hành trình cô độc, không phải ai cũng dám đánh đổi. Giai đoạn đó tôi gần như rơi vào trầm cảm. Nếu bạn hỏi tôi vài năm trước, tôi sẽ nói nhiều về cái mất, nhưng đó là một phần đi kèm với những gì tôi đang có. Bây giờ, tôi hài lòng về mọi thứ mà hành trình này mang lại cho mình.

Bản lĩnh – không chỉ về kinh doanh mà còn về nội tâm của mình. Tôi bình thản hơn với những biến động cuộc sống, hài lòng với những gì đang có. Khi mình có một thế giới bên trong và quyết làm để thế giới đó hiển thị ra thì cũng là lúc những người gần mình cảm thấy họ bị gạt ra ngoài. Lúc ấy mình chỉ có thế giới ấy thôi và cứ khăng khăng làm, không ai hiểu được. Đến khi nó thành hình, mọi người sẽ hiểu mình hơn, nhưng nó đâu dừng lại ở đó, vì mình sẽ lại có một thế giới khác tiến hoá trong đầu. Nếu cứ lặp lại cái cũ thì mình thành đồ ăn nhanh mất rồi.

Đó có là một hành trình cô độc?

Trong giai đoạn chuyển giao, giữa lúc mình đang đánh mất nhiều thứ với sự kiên định theo đuổi con đường đã chọn, đúng là tôi có nghĩ nhiều tới từ cô độc. Những người xung quanh gồm đối tác, cộng sự, mối quan hệ tình cảm, gia đình…, lúc ấy tôi gần như mất hết. Mọi người có thể rất yêu quý mình nhưng khi đó mình có một nguồn năng lượng rất mạnh, như mình ở trong thế chiến vậy, nên không phải ai cũng chịu nổi sự ma sát của tốc độ ấy.

Nhìn lại, lúc đó mình thấy cô độc vì mình mong đợi nhiều từ thế giới bên ngoài. Thâm tâm mình mong cầu sự thấu hiểu, thông cảm, động viên từ những người xung quanh. Đó là lúc chưa bản lĩnh. Bây giờ thì không. Tôi không mong đợi nữa và sự thoải mái của tôi không nằm ở việc người khác có hiểu mình hay không.

Người thân cũng khó mà hiểu được, vậy làm sao để các cộng sự có thể hiểu được tầm nhìn của anh và gắn bó?

Điều đó phụ thuộc vào mức độ mong cầu của mình. Để hiểu được tầm nhìn của người lãnh đạo trong một công ty thì có những yếu tố sau: Đầu tiên, người lãnh đạo có muốn chia sẻ hay không. Thứ hai, người tiếp nhận thực sự có muốn hiểu không?

Khi muốn hiểu rồi thì trải nghiệm của người ta đến đâu để có thể hiểu được “ngôn ngữ” ấy. Khi nói đến tầm nhìn và tư duy của người kiến tạo, họ sẽ làm ra những sản phẩm, dịch vụ hay tạo ra một thế giới mà hiện tại chưa có, không hề có ví dụ để minh họa. Để người khác bước vào thế giới ấy thì họ cũng phải có cùng một “ngôn ngữ”.

Thời gian đầu tôi bị tổn thương nhiều vì những người tiềm năng, tâm huyết với công ty bỏ đi. Nhưng cũng do mình thôi. Đi với nhau được bao lâu thì mình cứ hết lòng. Mình tổn thương vì mình mong đợi dài lâu (cười). Đến giờ tôi vẫn chia sẻ, cố gắng tìm kiếm những người phù hợp nhất có thể thôi. Bất cứ mối quan hệ nào cũng khó cả. Nó đến từ sự nỗ lực và chấp nhận nhau của cả đôi bên. Không phải ai hay lúc nào chúng ta cũng có cùng sự bao dung. Tôi hi vọng 10% ổn định là tốt lắm rồi. Toong may mắn có được những người như vậy, gắn bó từ ngày đầu tiên tới giờ.

Nền tảng sống động của văn hóa bản địa

Vì sao Toong rất ít xuất hiện trên truyền thông?

Có nhiều cách để PR hay truyền thông chứ không nhất thiết cứ phải xuất hiện trên báo đài. Với Toong, chúng tôi thường tổ chức hoạt động tại các không gian cũng là cách để kết nối và kể câu chuyện của mình. Còn khi nào có thông tin chính đáng, đủ lớn thì Toong sẽ công bố trên báo chí. Chúng tôi không cố nghĩ ra nhiều câu chuyện để lên báo.

Liệu sẽ có câu chuyện gì đủ lớn để mong chờ từ Toong?

Không chỉ địa điểm mới mà các địa điểm mới sẽ tích hợp trong các nền tảng sống động hơn. Tác động của tôi lên không gian dần dần không chỉ ở nội thất nữa mà sẽ liên quan tới cảnh quan, ngoại thất, khối nhà…, có thể kiểm soát bên trong lẫn bên ngoài. Tôi muốn thông qua mặt ngoài của các công trình tiếp xúc với
công cộng nhiều để biến chúng thành các tác phẩm nghệ thuật cộng đồng. Thay vì cứ kêu gào tại sao không có các tác phẩm nghệ thuật cộng đồng như nước ngoài thì giờ mình làm đi. Một khi mặt tiền của ngôi nhà được xây như một tác phẩm nghệ thuật, người ta đi qua sẽ nhìn thấy được, nó sẽ trở thành tác phẩm công cộng. Một tác phẩm nghệ thuật công cộng sẽ lan tỏa đượcgiá trị thẩm mỹ và triết lý đến nhiều người hơn. Sức ảnh hưởngcủa thế giới mà mình xây dựng sẽ đến được nhiều người hơn.

Giữa 2023, chúng tôi sẽ có một trung tâm tích hợp tại Huế. Toàn bộ concept của mall này do chúng tôi xây dựng mới. Concept tổng thể là một nền tảng về giải trí, thưởng lãm nghệ thuật, làm việc, giáo dục, giao lưu, mua sắm, nghỉ ngơi… dành cho khách du lịch và cộng đồng cư dân tri thức tại Huế. Tôi đặt tên không gian đó là Sống Platform với 4 tầng, diện tích mặt sàn 8.000 m2.

Tại sao lại là Huế? Và với một vùng đất có nhịp sống chậm và cổ kính thì những giá trị đương đại sẽ được thể hiện và đón nhận ra sao?

Về mặt thực tế, do cơ hội thuận lợi. Mặt khác, khi nhắc đến vùng đất nào ở Việt Nam có các yếu tố văn hóa và nghệ thuật mặn mòi thì Huế đứng đầu. Tuy nhiên, những yếu tố đó chưa được thể hiện nhuần nhuyễn trong đời sống thành thị. Mọi người vẫn đang chắt lọc những di sản của Huế theo hướng mô phỏng, thiếu tính đương đại. Nếu mình đưa vào đời sống trong mall thì người đến từ phương Tây sẽ thấy có cùng ngôn ngữ. Việc ta biểu hiện di sản, văn hóa của mình bằng ngôn ngữ thời đại sẽ giúp những người từ khắp nơi hiểu được giá trị của mình tốt hơn.

Toong là một phần trong Sống Platform. Nhưng nếu xét về tư duy và lý tưởng của riêng cá nhân tôi thì đó là bước tiến hoá tiếp theo. Tôi mở ra và cho mọi người thấy văn hóa mà mình theo đuổi được hiển thị cụ thể ra sao trong các khía cạnh của cuộc sống, chứ không chỉ tại nơi làm việc. Đối tượng đầu tiên hướng đến là khách du lịch, rồi đến người dân địa phương. Nếu chỉ nhìn vào hiện trạng thị trường mà ra quyết định thì sẽ không ai dám làm gì. Chúng tôi vừa làm vừa giáo dục thị trường nữa. Tất nhiên, chúng tôi biết bước tiếp theo của mình sẽ là gì.

Chúng tôi giám tuyển các dịch vụ được hình thành từ những nguyên liệu bản địa. Tôi có tham vọng làm một bảo tàng nghệ thuật số đầu tiên tại Việt Nam. Nội dung được bóc tách từ các tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ nổi tiếng ưu tiên tại Huế và trong nước, mang lại trải nghiệm đương đại về nghệ thuật – văn hóa – di sản của Huế và Việt Nam. Toàn bộ mặt sàn tầng đó gần 2.000 m2 , trần cao 12m để thông, có thể dùng làm hội thảo, hội nghị, các chương trình mang tính cách tân… Các tầng khác cũng sẽ ưu tiên cho gian hàng của các thương hiệu trong nước theo đuổi thiết kế tử tế. Đây không chỉ là nơi trưng bày mà sẽ là một không gian văn hóa vốn đã nhen nhóm ở Toong hiện tại, được bùng ra và hiển thị trong nhiều lát cắt hơn.

Không phải người dân địa phương mang khách du lịch tới mà chính khách du lịch sẽ thúc đẩy người dân địa phương đến đó. Kiểu như “Bụt chùa nhà không thiêng”.

Rất cảm ơn anh và chúc anh gặp nhiều thuận lợi trong hành trình tiếp theo!

  • Người thực hiện phỏng vấn: Vĩnh Trọng (Leo)

Related posts

Link trực tiếp bóng đá Xoilacl.cc miễn phí

Xem tructiep https://socolivenn.cc/