Tính đến cuối tháng 9, tỷ lệ nợ xấu của 27 ngân hàng mới ở mức trung bình 1,76%. Theo các chuyên gia dự báo, tình trạng này sẽ tiếp tục trong quý IV và gánh nặng dự phòng rủi ro sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới lợi nhuận ngân hàng về cuối năm.
Tín dụng đến cuối quý 3 tăng trưởng so với đầu năm
Theo đó, quý III vừa qua, hoạt động kinh tế tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam bị đình trệ do “giãn cách xã hội” từ đợt tái bùng phát dịch Covid – 19 lần thứ 4. Các con số thống kê cũng cho thấy nền kinh tế trong quý III chịu tác động nặng nề từ đợt giãn cách.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến ngày 7/10/2021, tín dụng toàn hệ thống tăng 7.42% so với cuối năm 2020 (tăng 5.48%). Đến ngày 7/10/2021, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 5.65% so với cuối năm 2020 và tăng 11.56% so với cùng kỳ 2020.
Tính đến cuối tháng 9/2021, các TCTD đã cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đạt trên 5.2 triệu tỷ đồng cho 800,000 khách hàng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho khoảng 1.7 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ gần 2.5 triệu tỷ đồng. Lũy kế từ 23/01/2020 đến cuối tháng 9/2021, tổng số tiền lãi TCTD đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 27,000 tỷ đồng.
Riêng 16 ngân hàng thương mại (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) đã giảm lãi suất cho vay khách hàng theo cam kết với Hiệp hội ngân hàng với tổng số tiền lãi đã giảm lũy kế từ 15/07/2021 đến cuối tháng 9/2021 là 11,813 tỷ đồng, đạt 57.31% so với cam kết.
Phân loại chất lượng nợ vay của các ngân hàng tính đến 30/09/2021. Đvt: Tỷ đồng
Credit: Vietstock Finance
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng có xu hướng tăng
Theo số liệu báo cáo tài chính quý III/2021 vừa công bố, dư nợ xấu tuyệt đối tại 27 ngân hàng niêm yết tính đến 30/9 đã tăng lên 113,000 tỷ đồng, cao hơn 26% so với thời điểm đầu năm. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, tỷ lệ nợ xấu trung bình của 27 ngân hàng là 1.76%, chỉ nhỉnh hơn 0.06% so với thời điểm cuối năm 2020 và trong ngưỡng an toàn. Xét tới độ “xấu” trong tài sản một ngân hàng, thường nhà đầu tư sẽ nhìn vào tỷ lệ nợ xấu/ tổng tín dụng thay vì tổng nợ xấu.
Credit: Báo cáo tài chính ngân hàng quý III/2021
Theo thống kê của Nhadautu.vn, 10/27 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng trong 9 tháng đầu năm 2021. Điều này là diễn biến bình thường, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế, doanh nghiệp đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn từ dịch bệnh COVID-19. Nhưng cũng có một điểm rất đáng lưu ý là sự gia tăng mạnh của nợ xấu cả về trị số tuyệt đối cũng như tỷ lệ tương đối của nhóm ngân hàng quốc doanh – đây cũng là nguyên nhân chính đẩy tổng nợ xấu của ngành ngân hàng tăng mạnh 9 tháng qua.
Trong đó, trường hợp đặc biệt của ngân hàng TMCP Kiên Long (KLB) đã được ghi nhận trong quý I khi ngân hàng này xử lý toàn bộ tài sản bảo đảm, hoàn thành việc thu hồi nợ gốc và lãi phải thu của các khoản vay có tài sản bảo đảm là cổ phiếu của ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (STB). Nợ xấu của KLB thời điểm cuối quý 3 chỉ còn 697 tỷ đồng.
Các ngân hàng ở chiều ngược lại có nợ xấu tăng bình quân 26%, trừ một số tăng đột biến. Cụ thể, như Vietcombank, tỷ lệ nợ xấu đã tăng gần gấp đôi đầu năm lên mức 1,1%. Trong đó, nợ xấu nhóm 4 tăng 14 lần, nhóm 5 tăng 45% và chiếm tới 60% tổng nợ xấu; ở Vietinbank, tỷ lệ nợ xấu cũng tăng gần gấp đôi so với cuối năm 2020 lên mức 1,66%. Trong đó, nợ nhóm 4 tăng gấp 10 lần và chiếm 64% tổng nợ xấu. BIDV dù có tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ, đứng ở mức 1,61% nhưng nợ xấu nhóm 5 cũng chiếm tới 76% tổng nợ xấu. Ba ngân hàng này đã chiếm gần 1/2 tổng tín dụng của 27 ngân hàng niêm yết việc tăng mạnh tỷ lệ nợ xấu cũng như giá trị tuyệt đối sẽ ảnh hưởng lớn tới con số chung toàn ngành.
Xét về tỷ lệ, có 11/27 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay giảm so với đầu năm. VP Bank (VPB) vẫn là ngân hàng duy nhất có tỷ lệ nợ xấu trên 3%, dẫn đầu với tỷ lệ chạm ngưỡng 4%. Nhưng nếu tính riêng trên ngân hàng mẹ, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm từ mức 2.52% đầu năm xuống còn 2.28%. Xếp ngay sau đó là Viet Capital Bank (BVB, 2.94%), PGB (2.75%) và ABB (2.91%)…
Credit: VietstockFinance
Tại phiên thẩm tra về kinh tế – xã hội do Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức, ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc NHNN – cho hay, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm 2021 dự kiến sẽ ở mức 7.1% – 7.7%, xấp xỉ 8%. Dịch Covid-19 gây ảnh hưởng trong năm 2020 và đặc biệt năm 2021, NHNN đánh giá độ trễ sẽ còn tác động cả sang năm 2022 nên ngành ngân hàng sẽ vẫn gặp nhiều khó khăn.
Nợ xấu tiềm ẩn trong năm 2021 sẽ phản ánh lên lợi nhuận ngân hàng năm 2022
Theo ông Hoàng Công Tuấn (Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Vĩ mô (MBS)) hoạt động kinh doanh của ngân hàng phải luôn liên tục, khi ngân hàng có những khoản cho vay khó thu hồi lại được, kể cả được giãn, hoãn nợ, không chuyển nhóm nợ theo chính sách được NHNN cho phép. Xét trên lý thuyết hoạt động kinh doanh ngân hàng đã bị ảnh hưởng, tuy nhiên các báo cáo hiện chưa được phản ánh lên sổ sách một cách đầy đủ.
Trong 9 tháng đầu năm, Eximbank là ngân hàng duy nhất báo lãi trước thuế giảm 12% so với cùng kỳ năm trước, giữa lúc các ngân hàng còn lại báo lãi tăng trưởng, thậm chí tăng bằng lần như NCB (NVB, gấp 7.2 lần), KLB (gấp 6 lần), NAB (gấp 3.7 lần)…
Ông Hoàng Công Tuấn cho biết thêm, theo số NHNN ước tính, trong thời gian tới nợ xấu tiềm ẩn cộng nợ xấu nội bảng lên mức khoảng 8%. Từ trạng thái 3% lên 8%, con số này phải lên khoảng 500,000 tỷ đồng, đây là con số khá lớn. Dư nợ xấu được hạch toán trong quý III vừa rồi, các ngân hàng lớn đều có xu hướng tăng lên. Rất ít ngân hàng có nợ xấu trên sổ sách, chưa nói đến nợ tiềm ẩn.
Theo Thông tư của NHNN năm 2021 mới hạch toán 30% nợ xấu bị ảnh hưởng bởi Covid-19, trích lập dự phòng năm sau là 60%, năm sau nữa là 10%, như vậy trọng điểm sẽ là năm 2022 chịu tác động mạnh. “Nợ xấu tiềm ẩn được phát sinh từ 2020, 2021 sẽ phản ánh lên hoạt động kinh doanh của khối ngân hàng năm 2022. Nếu nhìn sâu vào cơ cấu nợ, sẽ thấy có sự dịch chuyển nhóm nợ nghi ngờ tại một số ngân hàng tăng lên”, ông Tuấn nói thêm.
Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm Phân tích Thị trường CTCP Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSI) cho rằng gần như cả quý vừa qua, khi thực hiện “giãn cách xã hội”, doanh nghiệp không thể hoạt động, không trả nợ được, chắc chắn nợ xấu sẽ tăng. Đây cũng là lý do các gói hỗ trợ được kêu gọi triển khai, gói tín dụng giãn nợ để hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp.
Chính vì vậy khi nền kinh tế hồi phục, doanh nghiệp hoạt động bình thường trở lại, có tiền để trả lãi thì nợ xấu sẽ giảm đi. Nhưng còn phụ thuộc khá nhiều vào khả năng hồi phục của nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng.
Thu Thao – tổng hợp