Navigator Business & Entrepreneurs
News

Nhìn lại cơn khủng hoảng của siêu du thuyền năm 2020 trên thế giới [Kỳ 3]

Phần 3: SAU CƠN MƯA TRỜI LẠI SÁNG

 

Khalilah – Palmer Johnson 49m

 

6 năm sau cơn khủng hoảng của siêu du thuyền tính từ 2010, kinh tế thế giới hồi phục mạnh mẽ kéo theo việc giới nhà giàu bắt đầu quay trở lại với thú chơi siêu du thuyền. Ở phần trước, tôi có nói về việc du thuyền 30 – 40m dành cho tầng lớp mới giàu tại châu Á và châu Âu, thì sau vài năm, chính tầng lớp ấy là những người thúc đẩy sự hồi sinh của phân khúc siêu du thuyền từ 40 – trên 60m. Có cầu ắt sẽ có cung, thời điểm năm 2016, giới broker (môi giới) du thuyền chạy ngược chạy xuôi để tìm kiếm những du thuyền trên 40m cho khách hàng. Thời điểm đó cũng ghi nhận hoạt động vô cùng mạnh mẽ của các công ty môi giới du thuyền lớn như Fraser Yachts, Burgess hay Camper Nicholsons. Các công ty môi giới này đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các nhà đóng tàu cho ra mắt các siêu du thuyền hơn 40m trở lại.

 

PERSHING 140 – BENETTI “SEASENSE”

 

Ngoài ra, các yêu cầu về du thuyền lớn cũng góp phần tăng giá trị cho những du thuyền trong cỡ 40 – 60m được bán lại trên thị trường. Mỗi du thuyền trong cỡ này có cơ hội tăng từ 10 – 15% giá bán lại so với những năm trước vì nhu cầu của thị trường tăng cao. Các nhà môi giới cũng bận rộn hơn trong việc tìm kiếm, thuyết phục và thực hiện các giao dịch. Và dĩ nhiên, khi nhu cầu lớn, họ phải tìm cách để giữ chân khách hàng với mình, điều đó được thể hiện qua việc các hãng môi giới liên tục mở rộng quy mô ra và nhanh chóng biến thành những nhà cung cấp “một cửa cho tất cả dịch vụ”. Fraser Yachts mở rộng thêm phần refit (nâng cấp), management (quản lý du thuyền) bên cạnh việc charter (cho thuê) và vai trò của một broker chuyên nghiệp. Tương tự, Burgess hay Camper Nicholsons cũng có những bước đi để mở rộng dịch vụ và giữ chân khách hàng của mình.

 

Các hãng đóng du thuyền cũng phải vận động để bắt kịp cuộc chơi này. Những shipyard lớn như Oceanco, Feadship, Aberking & Rassmusen hay Nobiskrug cũng bắt đầu với các dự án mới nhỏ hơn nhưng vẫn trên 60m. Họ cũng cố gắng đáp ứng nhu cầu thị trường nhưng rõ ràng khó có thể làm nhỏ hơn được 60m.

 

Và lúc này, ưu thế lại dành cho những hãng khác.

Heesen ERICA 50m – siêu du thuyền lớp FDHF max speed 20 knots

 

Ở Hà Lan có một cái tên nổi lên là Heesen, xưởng đóng siêu du thuyền cho ra mắt khá nhiều dự án từ 45 – 60m trong giai đoạn này. Điểm hay của Heesen là họ tạo ra các siêu du thuyền vỏ nhôm, với tốc độ được xếp vào lớp “semi – displacement”. Nói nôm na là chạy nhanh hơn du thuyền vỏ thép cùng size và giá thành mềm hơn, thời gian giao tàu nhanh hơn. Thậm chí Heesen còn cho ra mắt một lớp du thuyền gọi là FDHF (Fast Displacement Hull Form) cho tốc độ lên đến 20 knots/ giờ – khá đáng kể với một du thuyền hơn 50m. Mà điển hình là chiếc ERICA vừa hạ thuỷ năm ngoái, một siêu du thuyền rất đẹp với màu xám metallic grey.

 

Heesen làm ăn được thì các bạn đồng lứa ở Ý gần bên cũng không thể ngồi yên. 4 lá cờ đầu của ngành du thuyền sang trọng ở Ý là Sanlorenzo, Ferretti Group, Azimut Benetti & Mangusta Yachts cũng cho ra mắt các bộ sưu tập mới trong tầm 40 – 60m. Sanlorenzo làm ăn khá tốt với dòng EXP (460 và 500), dòng du thuyền thám hiểm, hay dòng Steel với các siêu du thuyền như 52 Steel hay 64 Steel. Trong đó hai chiếc Steel nổi tiếng nhất của Sanlorenzo là 52 Steel – M/Y Seven Sins và 64 Steel Attila. Dòng EXP có chiếc Ocean Dream Walker III của một tỷ phú Hong Kong cũng được biết đến rộng rãi, hay chiếc Alloy 44 thứ hai được bàn giao về châu Á – mảnh đất mới của các hãng siêu du thuyền tầm trung.

 

Sanlorenzo Steel 52m -“SEVEN SINS” – CRN Atlante 50m – Benetti “LION HEART” 90m

 

Azimut cũng liên tục nâng cấp các sản phẩm thuộc phân nhánh Benetti, điển hình là lớp B-NOW từ 50 – 68m. Nhưng best-seller của hãng vẫn là những siêu du thuyền dưới 50m, thuộc các lớp nhỏ hơn như FAST – DIAMOND hay OASIS và các siêu du thuyền full-custom (đặt mới hoàn toàn theo thiết kế). Trong đó, có một số cái tên full-custom nổi tiếng như II:II, SEASENSE hay FORMOSA. Đặc biệt trong thời điểm năm 2016, Benetti hạ thuỷ siêu du thuyền lớn nhất của hãng – chiếc Lion Heart dài 90m. Đến 2020, hãng hạ thuỷ siêu du thuyền Custom Giga đầu tiên của mình với chiều dài hơn 108m mang mã FB275.

 

Còn Ferretti Group, với một số biến động về chủ đầu tư trong giai đoạn 2016, cũng kịp cho ra mắt một số sản phẩm đình đám từ CRN – xưởng đóng siêu du thuyền của họ như Atlante dài 55m hay Latona dài 50m hạ thuỷ 2018. Bên cạnh đó, họ cũng đầu tư cho Pershing hay Custom Line để ra mắt những mẫu trên 40m. Điển hình là chiếc Pershing 140 vừa bàn giao năm ngoái cho chủ ở Hong Kong.

 

Sanlorenzo EXP 500 – “Ocean Dream Walker III” – Sanlorenzo Steel 64 – M/Y ATTILA – BENETTI FB275 – 108m, siêu du thuyền lớn nhất của Benetti vừa hạ thuỷ

 

Mangusta Yachts vẫn trung thành với phân khúc trên 100 feet kể từ ngày đầu tiên, và họ đã chứng minh mình đi đúng hướng. Các du thuyền thuộc bộ sưu tập GranSport, Oceanco, MaxiOpen đều được ưa chuộng tại Mỹ và châu Âu. Chiếc du thuyền nổi tiếng nhất của Mangusta trong giai đoạn này phải kể đến “Black Legend” – siêu du thuyền được các ngôi sao như Ibrahimovic hay CR7 chọn thuê. Thiết kế của Mangusta cực kì thể thao và cá tính, nó không đồ sộ hay hoành tráng nhưng nó dành cho những người thích một vẻ đẹp “agressive” – hay có thể gọi là “lấn át” mỗi khi nó xuất hiện. Trong danh sách này còn Sunseeker, nhưng phần trước tôi nói nhiều về Sunseeker rồi nên sẽ không nói thêm. Họ làm ăn rất tốt trong giai đoạn này, đặc biệt với dòng siêu du thuyền 131 của mình.

 

Bên kia bờ đại dương, có một cái tên nổi lên với những thiết kế thậm chí còn “agressive” hơn cả Mangusta, đó là Palmer Johnson. Hãng có nhà máy đặt tại Mỹ và thiết kế cực kì cá tính. Nổi bật nhất trong số đó chính là Khalilah – siêu du thuyền dài 49m đang được rao bán với giá 28 triệu Euro hay cho thuê giá 249,000 Euro/ tuần. Các sản phẩm của Palmer Johnson thắng lớn trên sân nhà và lấn sang châu Âu trong giai đoạn 2014 – 2018. Tôi đã có dịp đến thăm văn phòng Palmer Johnson tại Monaco. Văn phòng nhìn rất bình thường nhưng những mô hình tàu đặt trong đó thì cực kì hấp dẫn. Palmer Johnson còn một dự án nổi tiếng nữa chuẩn bị ra mắt, đó là chiếc Bugatti Niniette 66 do Bugatti và PJ hợp tác với cảm hứng là chiếc Chiron màu xanh. Một dự án cực kì đáng xem khi ra mắt. Palmer Johnson đề cao tính viễn tưởng, công nghệ và tính độc đáo trong các sản phẩm của mình nên mỗi siêu du thuyền của họ – đặc biệt là dòng SuperSport Series, và ví dụ cụ thể là chiếc KHALILAH, đều mang lại sự phấn khích cho những người yêu du thuyền bởi nó quá lạ và quá độc đáo.

 

Mangusta “Black Legend” – siêu du thuyền chất chơi nhất Monaco

 

Còn nhiều những hãng nhỏ hơn cũng phát triển trong giai đoạn từ 2016 đến nay về size thuyền trên 40m. Giới siêu giàu bắt đầu có dấu hiệu hồi phục kinh tế và quan tâm hơn đến du thuyền như trước khi có cuộc suy thoái năm 2010. Năm 2016 cũng đánh một dấu mốc quan trọng cho ngành du thuyền Việt Nam khi mà hãng du thuyền lớn đầu tiên trên thế giới đặt chân vào thị trường một cách nghiêm túc, kéo theo sau đó là những công ty du thuyền khác từ trong nước đến nước ngoài bắt đầu thành lập, và thú chơi du thuyền lúc đó mới bắt đầu thâm nhập vào Việt Nam một cách mạnh mẽ chứ không nhỏ lẻ như trước. Bản thân mình là một trong những người đầu tiên làm du thuyền một cách chuyên nghiệp kể từ những ngày đầu tiên thời điẻm cuối 2016, chứng kiến những sự thay đổi và phát triển cực kì nhanh của ngành du thuyền trong nước cho đến khi đại dịch Covid làm tất cả mọi thứ đứng lại. Nếu không có đại dịch thì năm 2020 sẽ là dấu mốc lớn thứ hai cho ngành du thuyền Việt Nam rồi. Nhưng thôi, đành tiếp tục chờ đợi, sau cơn mưa trời chắc chắn sẽ lại sáng hơn trước.

 

Kết: Sau 10 năm từ 2010, thế giới lại chứng kiến cuộc khủng hoảng tiếp theo của siêu du thuyền, và lần này đại dịch Covid gây ảnh hưởng nặng nề không kém lần trước. Tưởng chừng như các hãng du thuyền đã phục hồi, tăng tốc và phát triển mạnh mẽ hơn từ 2016 đến nay, nhưng 2020 lại đánh dấu một năm buồn cho ngành công nghiệp du thuyền. Một số hãng duy trì cầm chừng hoạt động, một số đóng cửa hoàn toàn nhà máy, đặc biệt là tại Anh và Ý – hai quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.

 

Concept Bugatti Niniette 66 của Palmer Johnson bên cạnh Bugatti Chiron

 

Tuy nhiên, có lý do để tin rằng, cuộc khủng hoảng đợt này sẽ không kéo dài lâu như lần trước nếu như nhìn vào mặt tích cực. Không khí trong lành hơn, thế giới sạch đẹp hơn sẽ là những yếu tố giúp cho ngành công nghiệp du thuyền có cửa sáng sau đại dịch. Thậm chí, nhìn vào tương lai gần hơn thì Việt Nam sẽ là điểm đến triển vọng cho các siêu du thuyền hơn 50m cuối năm nay, và tôi cùng những người anh em đồng nghiệp chắc chắn sẽ là một phần của những dự án đó khi nó thành hiện thực. Hãy cùng chờ xem những điều thú vị còn lớn hơn nữa dành cho thị trường du thuyền thế giới và Việt Nam sau cơn khủng hoảng này.

Bài: Ben Trần – Yachts Columnist

 

Related posts

Link trực tiếp bóng đá Xoilacl.cc miễn phí

Xem tructiep https://socolivenn.cc/