Giấc mơ “hái ra tiền” trên thị trường chứng khoán Trung Quốc dường như đang tan biến như sương mù buổi sớm. Gần 90% dòng tiền ngoại hối đổ vào thị trường này trong năm 2023 đã vội vã tháo chạy, mang theo nỗi nghi ngờ ngày càng lớn về cam kết vực dậy nền kinh tế đang chững lại của Bắc Kinh.
Ảnh: Financial Times
Từ đỉnh 235 tỷ nhân dân tệ (33 tỷ USD) hồi tháng 8, tổng giá trị đầu tư ròng của nước ngoài vào cổ phiếu niêm yết tại Trung Quốc đã lao dốc 87%, chỉ còn vỏn vẹn 30,7 tỷ nhân dân tệ, theo tính toán của Financial Times dựa trên dữ liệu từ chương trình kết nối chứng khoán Hồng Kông.
Giới giao dịch và phân tích cho rằng, sự đảo chiều này phản ánh tâm lý bi quan của các nhà quản lý quỹ toàn cầu đối với triển vọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Các nhà đầu tư quốc tế liên tục bán ròng kể từ tháng 8, khi những khoản nợ trái phiếu không thanh toán của tập đoàn phát triển bất động sản Country Garden phơi bày mức độ nghiêm trọng của khủng hoảng thanh khoản trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc.
“Vấn đề niềm tin không chỉ nằm ở bất động sản, mặc dù bất động sản là then chốt”, ông Wang Qi, Giám đốc đầu tư mảng quản lý tài sản tại UOB Kay Hian ở Hồng Kông chia sẻ. “Tôi đang nói đến niềm tin của người tiêu dùng, niềm tin của doanh nghiệp và niềm tin của nhà đầu tư – cả trong nước lẫn quốc tế”.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc tiếp tục tụt hậu so với các đồng minh toàn cầu trong những tuần gần đây, bất chấp một loạt dữ liệu kinh tế tích cực, dấu hiệu tan băng trong quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc và động thái tăng cường sức mạnh của hệ thống tài chính, nhằm chống chọi với nguy cơ tăng trưởng chậm lại bằng cách giảm lãi suất tiền gửi của hầu hết các tổ chức cho vay.
Trong khi chỉ số S&P 500 tăng 4,7% trong tháng này, chỉ số CSI 300 – thước đo chính của thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến – lại giảm hơn 3%. Tổng giá trị bán ròng của cổ phiếu niêm yết Trung Quốc từ nước ngoài đã lên tới khoảng 26 tỷ nhân dân tệ trong tháng 12.
Việc nhà đầu tư nước ngoài rút lui được “hậu thuẫn” bởi làn sóng mua lại cổ phiếu rộng rãi từ các công ty niêm yết tại Trung Quốc, cũng như việc mua vào quy mô lớn từ các quỹ đầu tư trong nước và các tổ chức tài chính nhà nước – tất cả đều chịu áp lực từ Bắc Kinh phải nâng đỡ giá trị cổ phiếu đang giảm sút.
Bán tháo kéo dài từ phía nước ngoài đe dọa khiến thị trường Trung Quốc khép lại năm 2023 với một tâm trạng chua chát. Thị trường đóng cửa vào thứ Sáu (29/12) sẽ ghi nhận dòng vốn ngoại hối hàng năm nhỏ nhất kể từ năm 2015, năm đầu tiên của chương trình Stock Connect. Chương trình giao dịch xuyên biên giới này được điều hành tại Hồng Kông và là con đường chính mà các nhà đầu tư nước ngoài giao dịch cổ phiếu niêm yết ở Trung Quốc đại lục.
Giới giao dịch cho biết, tâm lý thị trường mới chớm hồi phục đã bị cản trở bởi đợt bán tháo mạnh cổ phiếu ngành game (bao gồm Tencent và NetEase), sau khi Bắc Kinh công bố quy định mới nghiêm ngặt cho lĩnh vực này.
Ảnh: Financial Times
Giông tố trên thị trường chứng khoán Trung Quốc vẫn chưa tan, giấc mộng tỏa sáng của thị trường chứng khoán Trung Quốc dường như đang nhạt phai dần. Các nhà đầu tư dài hạn quốc tế từng ôm hy vọng vào đà hồi phục mạnh mẽ khi Trung Quốc dỡ bỏ chính sách “zero-Covid” hà khắc, giờ đây lại lảng tránh hòn đảo tài chính nhộn nhịp Hồng Kông, cũng chẳng không mảy may liếc nhìn đến cổ phiếu Trung Quốc.
Kẻ thù lớn nhất của thị trường không phải là chính sách cứng nhắc hay cơn bão COVID-19, mà chính là sự nghi ngờ đang gặm nhấm lòng tin của các nhà đầu tư quốc tế. Những lời hứa hẹn về gói hỗ trợ chính sách hồi tháng 7 nhanh chóng tan thành mây khói như những khoản nợ trái phiếu vỡ nợ của Country Garden và hàng loạt các nhà phát triển bất động sản khác chìm trong khủng hoảng.
Nghiên cứu mới nhất của Bank of America, khảo sát các nhà quản lý quỹ tập trung vào thị trường châu Á, cho thấy phần lớn vẫn duy trì xu hướng đầu tư “thiếu cân” với cổ phiếu Trung Quốc, không hề thay đổi so với tháng 11. Chỉ số CSI 300, thước đo chính của thị trường, đang trên đà giảm hơn 15% tính theo USD trong cả năm.
Bà García-Herrero thuộc công ty cung cấp các giải pháp tài chính và quản lý tài sản Natixis cho hay không có cổ phiếu ngành nào của Trung Quốc “sáng”.
Giang Nguyễn (Theo Bloomberg)