Tỷ phú Charlie Munger, bậc thầy đầu tư từng tạo dựng cơ đồ trước khi trở thành “cánh tay đắc lực” của Warren Buffett tại Berkshire Hathaway, đã qua đời ở tuổi 99.
Ông Charlie Munger. Ảnh: CNN
Tỷ phú Charlie Munger
Theo thông cáo báo chí của Tập đoàn Berkshire Hathaway, ông Munger đã qua đời vào thứ Ba (28/11). Các thành viên trong gia đình ông Munger thông báo ông đã qua đời bình yên tại một bệnh viện ở California. Chỉ một tháng nữa, vào đầu 2024, ông Munger sẽ tròn 100 tuổi.
Đối với tỷ phú Warren Buffett, ông Munger là “cánh tay phải” đắc lực nhất. Warren Buffett từng tuyên bố “Berkshire Hathaway không thể phát triển đến vị thế hiện tại nếu không có nguồn cảm hứng, trí tuệ và sự tham gia của Charlie”. Ngoài việc là phó chủ tịch Berkshire, ông Charlie Munger còn là luật sư bất động sản, chủ tịch kiêm giám đốc xuất bản của Daily Journal Corp., thành viên ban giám đốc Costco, nhà từ thiện và kiến trúc sư.
Đầu năm 2023, tài sản của ông ước tính khoảng 2,3 tỷ USD – một con số đáng kinh ngạc đối với nhiều người nhưng vẫn nhỏ hơn nhiều so với tài sản khổng lồ của ông Buffett (ước tính hơn 100 tỷ USD).
Trong cuộc họp cổ đông thường niên năm 2021 của Berkshire, ông Munger (khi đó 97 tuổi) đã vô tình tiết lộ một bí mật được che giấu kỹ: Sau kỷ nguyên Buffett, Phó chủ tịch Greg Abel sẽ “giữ gìn văn hóa” tập đoàn.
“Cánh tay phải” của Warren Buffett
Năm 1980, ông Munger mất mắt trái sau biến chứng của ca phẫu thuật đục thủy tinh. Kể từ đó về sau, người ta luôn thấy ông xuất hiện với cặp kính dày cộm.
Ông Munger là chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Wesco Financial từ năm 1984 đến năm 2011. Tỷ phú Buffett cho rằng ông Munger đã mở rộng chiến lược đầu tư, từ việc ưu tiên các công ty gặp khó khăn với giá thấp với hy vọng kiếm lợi nhuận sang tập trung vào các công ty chất lượng cao nhưng có giá thấp hơn.
Một ví dụ điển hình cho sự thay đổi này là vào năm 1972, ông Munger đã thuyết phục Buffett ký vào hợp đồng mua lại See’s Candies của Berkshire với giá 25 triệu USD, mặc dù nhà sản xuất bánh kẹo California này chỉ có thu nhập trước thuế khoảng 4 triệu USD mỗi năm. Kể từ đó, công ty bánh kẹo đã mang lại doanh thu hơn 2 tỷ USD cho Berkshire.
Chia sẻ với CNBC vào tháng 5 năm 2016, Buffett cho biết: “Charlie đã giúp tôi từ bỏ ý tưởng mua những công ty tầm thường với giá rất rẻ và tìm kiếm một số doanh nghiệp thực sự tuyệt vời mà chúng tôi có thể mua với giá hợp lý”. Hoặc như Munger đã nói tại cuộc họp cổ đông Berkshire năm 1998: “Chẳng có gì thú vị khi mua một doanh nghiệp bị thanh lý trước khi nó phá sản”.
Warren Buffet (trái) và người cộng sự Charlie Munger (phải) ngày xưa. Ảnh: Buffalo News
Thiên tài đầu tư chỉ “câu cá ở nơi có cá”
Ông Munger là một người đàn ông thẳng thắn và hay nói “Tôi không có ý kiến gì bổ sung” trước những bình luận dí dỏm của Buffett. Munger thường nói vậy sau những câu trả lời dài dòng của Buffett tại các cuộc họp cổ đông hằng năm của Berkshire diễn ra tại Omaha (Nebraska, Hoa Kỳ). Song, với tư cách là một người bạn và đồng nghiệp của Buffet, Munger là một nguồn thông tin về đầu tư và cuộc sống. Và giống như Benjamin Franklin – một trong những anh hùng của Buffet, trí thông minh của Munger không thiếu đi sự hài hước.
“Một người bạn của tôi từng nói rằng quy tắc đầu tiên của câu cá là phải câu cá ở nơi có cá. Quy tắc thứ hai của câu cá là không bao giờ quên quy tắc đầu tiên. Chúng tôi đã giỏi câu cá ở những nơi có cá”, Munger – vị tỷ phú khi đó 93 tuổi – đã nói với hàng ngàn người tại cuộc họp của Berkshire năm 2017.
Ông tin tưởng vào “hiệu ứng lollapalooza”, trong đó sự hội tụ của các yếu tố hợp nhất để thúc đẩy tâm lý đầu tư.
Người con của tiểu bang Nebraska
Charles Thomas Munger sinh ngày 1 tháng 1 năm 1924 ở ra ở thành phố Omaha (tiểu bang Nebraska, Hoa Kỳ). Cha ông – ông Alfred – là một luật sư, còn mẹ ông – bà Florence “Toody” – xuất thân từ một gia đình giàu có. Giống như Warren, Munger đã làm việc tại cửa hàng tạp hóa của ông nội Buffett khi còn trẻ, nhưng hai “đối tác tương lai” lại không gặp nhau ở thời điểm đó mà phải mãi đến nhiều năm sau.
Theo tiểu sử “Damn Right!” năm 2003 của Janet Lowe, năm 17 tuổi, Munger rời Omaha đến Đại học Michigan. Hai năm sau, vào năm 1943, ông nhập ngũ vào Quân đội Không quân Hoa Kỳ.
Quân đội đã cử ông đến Viện Công nghệ California ở Pasadena để học khí tượng học. Ở California, ông đã yêu người bạn cùng phòng của em gái mình tại Cao đẳng Scripps, Nancy Huggins và kết hôn với cô vào năm 1945.
Tiểu bang Nebraska – nơi Munger sinh ra và lớn lên. Ảnh: iStock
Sinh viên luật Harvard đạt danh hiệu magna cum laude (xuất sắc)
Mặc dù chưa bao giờ hoàn thành chương trình đại học, Munger đã đạt danh hiệu magna cum laude (một danh hiệu học thuật được sử dụng bởi các tổ chức giáo dục để biểu thị kết quả học tập xuất sắc) từ Trường Luật Harvard vào năm 1948.
Sau đó, vợ chồng ông chuyển về California, nơi ông hành nghề luật bất động sản. Ông thành lập công ty luật Munger, Tolles & Olson vào năm 1962 và tập trung quản lý đầu tư tại quỹ đầu tư mạo hiểm Wheeler, Munger & Co. – quỹ được ông thành lập cùng năm.
Chàng trai Omaha đề cao đạo đức hơn bất cứ thứ gì
“Tôi tự hào là một chàng trai Omaha”, Munger từng chia sẻ trong cuộc phỏng vấn năm 2017 với Dean Scott Derue của Trường Kinh doanh Ross Michigan.
“Đôi khi tôi thường sử dụng câu nói cũ: ‘Họ đã đưa chàng trai ra khỏi Omaha nhưng họ không bao giờ đưa Omaha ra khỏi tim chàng trai ấy’. Trong tất cả những giá trị cổ xưa, gia đình vẫn luôn là trên hết. Bạn hãy ở một vị trí mà bản thân có thể giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn. Hãy thận trọng, sáng suốt và có nghĩa vụ đạo đức, đó là những phẩm chất quan trọng hơn bất cứ điều gì khác, thậm chí quan trọng hơn cả sự giàu có. Và điều quan trọng nhất là phải có nghĩa vụ đạo đức tuyệt đối”.
Nhà đầu tư bất động sản Charlie Munger
Tại California, Munger hợp tác với Franklin Otis Booth (một thành viên của gia đình sáng lập tờ Los Angeles Times) trong lĩnh vực bất động sản. Một trong những dự án đầu tiên của họ là dự án chung cư sinh lợi trên tài sản của ông nội Booth ở Pasadena.
Năm 1963, Booth được Munger giới thiệu với Buffett và trở thành một trong những nhà đầu tư lớn nhất của Berkshire. Năm 2008, Booth qua đời.
“Tôi có năm dự án bất động sản. Tôi đã làm cho cả hai bên trong vài năm và chỉ trong vài năm, tôi đã có 3 – 4 triệu USD”.
Năm 1975, Munger đóng cửa quỹ đầu tư mạo hiểm. Ba năm sau, ông trở thành phó chủ tịch thứ nhất của Berkshire Hathaway.
Warren Buffet (trái) và người cộng sự Charlie Munger (phải) khi về già. Ảnh: CNBC
Chiến hữu “tâm đầu ý hợp” của Warren Buffet
Năm 1959, ở tuổi 35, Munger trở lại Omaha để đóng cửa văn phòng luật sư của người cha quá cố của mình. Đó cũng là thời điểm ông được một trong những khách hàng đầu tư của Buffet giới thiệu với Buffett (khi đó 29 tuổi). Munger và Buffet đã rất hợp nhau và giữ liên lạc mặc dù sống cách nhau nửa châu lục.
“Chúng tôi nghĩ quá giống nhau đến mức đáng sợ. Charlie là người thông minh và tài giỏi nhất mà tôi từng gặp”, Buffett chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với Omaha World-Herald năm 1977.
“Trong suốt thời gian hợp tác, chúng tôi chưa bao giờ cãi nhau. Tính tới bây giờ cũng phải gần 60”, Buffett trả lời phỏng vấn CNBC vào năm 2018. “Charlie đã cho tôi món quà tuyệt vời nhất mà một người bạn có thể dành cho người khác. Anh ấy khiến tôi trở thành một phiên bản tốt hơn so với tôi trước đây. Anh ấy cho tôi rất nhiều lời khuyên hữu ích trong suốt thời gian qua. Tôi đã sống một cuộc đời tốt đẹp hơn nhờ có Charlie”.
Berkshire – nơi những bộ óc thiên tài kinh doanh hội tụ
Sự kết hợp của các bộ óc tập trung vào đầu tư giá trị, trong đó cổ phiếu là sự lựa chọn lý tưởng nhất vì giá của chúng dường như được định giá thấp hơn dựa trên các nguyên tắc cơ bản lâu dài của công ty.
“Tất cả các khoản đầu tư thông minh đều là đầu tư giá trị – mua sắm nhiều hơn bạn phải trả”, Munger từng nói. “Bạn phải đánh giá giá trị của doanh nghiệp để đánh giá giá trị của cổ phiếu”.
Trong đợt bùng phát dịch COVID vào đầu năm 2020, khi Berkshire phải chịu khoản lỗ khổng lồ 50 tỷ USD trong quý đầu tiên, Munger và Buffett đã thận trọng hơn so với thời kỳ suy thoái kinh tế năm 2008. Năm 2008, Berkshire đầu tư vào các hãng hàng không Hoa Kỳ, các công ty tài chính như Bank of America và Goldman Sachs và bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt suy thoái đó.
Kiến trúc sư nghiệp dư đầy tinh tế
Munger đã quyên góp hàng trăm triệu USD cho các tổ chức giáo dục, bao gồm Đại học Michigan, Đại học Stanford và Trường Luật Harvard, thường với điều kiện trường chấp nhận các thiết kế tòa nhà của ông, mặc dù ông không được đào tạo chính thức về kiến trúc.
Vào những năm 1990, trong quá trình xây dựng trung tâm khoa học tại trường dự bị Harvard-Westlake ở Los Angeles, nơi Munger từng là thành viên hội đồng quản trị trong nhiều thập kỷ, ông đã đảm bảo rằng sẽ xây các phòng tắm dành cho nữ sinh lớn hơn phòng tắm dành cho nam sinh.
Lý do xuất phát từ những lần ông đi xem bóng đá, đi ngang nhà vệ sinh nữ và thấy một hàng dài sinh viên đứng đợi bên ngoài. Bất bình với lối thiết kế phòng tắm nam nữ có kích thước ngang nhau dẫn đến nhiều bất tiện cho phái nữ, Munger đã có ý tưởng thiết kế này.
Charlie Munger đã sống một cuộc đời ý nghĩa và hạnh phúc. Ảnh: Financial Times
Nhà từ thiện Charlie Munger
Munger và vợ có ba người con, hai con gái là Wendy và Molly và một con trai là Teddy. Đáng buồn là người con đã qua đời vì bệnh bạch cầu ở tuổi lên 9 và vợ chồng Munger ly hôn vào năm 1953.
Hai năm sau, ông kết hôn với Nancy Barry, người mà ông gặp trong một buổi hẹn hò mù quáng tại một nhà hàng ăn tối. Cặp đôi có bốn người con: Charles Jr., Emilie, Barry và Philip. Ông cũng là cha dượng của hai người con trai khác của cô: William Harold Borthwick và David Borthwick.
Hai vợ chồng Munger và Nancy Barry (kết hôn 54 năm cho đến khi cô qua đời vào năm 2010) đã đóng góp 43,5 triệu USD cho Đại học Stanford để giúp xây dựng Munger Graduate Residence, nơi ở cho 600 sinh viên luật và cao học.
Những điều tầm thường tạo nên một cuộc đời hạnh phúc
Trong một cuộc phỏng vấn “Squawk Box” của CNBC vào tháng 2 năm 2019, khi được hỏi về bí quyết để có một cuộc sống lâu dài và hạnh phúc, Munger cho biết, “Câu trả lời rất dễ dàng, vì nó rất đơn giản”.
“Bạn không ganh tị, không oán giận, không chi tiêu quá mức thu nhập của mình. Bạn vẫn vui vẻ mặc dù gặp nhiều rắc rối. Bạn làm việc với những người đáng tin cậy và bạn làm những gì bạn phải làm. Tất cả những quy tắc đơn giản này đều rất hiệu quả để làm cho cuộc sống của bạn tốt đẹp hơn và chúng rất tầm thường, chẳng phải bí quyết gì cả. Hãy vui vẻ bởi vì đó là một điều khôn ngoan. Như vậy liệu có khó quá không? Liệu bạn có thể vui vẻ khi bạn hoàn toàn chìm sâu trong hận thù và oán giận? Tất nhiên là bạn không thể. Vậy tại sao bạn lại phải gánh chịu những điều đó?”, ông nói.
Giang Nguyễn (Theo CNBC)