Bộ Công Thương vừa đưa ra đề xuất về việc xây dựng một trung tâm sản xuất, lưu trữ và kinh doanh nguyên liệu thô dành cho ngành công nghiệp dệt may và giày dép.
Dự kiến, trung tâm này sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2025 và được đặt tại một địa điểm chiến lược để tối ưu hóa chuỗi cung ứng trong nước và giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.
Theo Bộ Công thương, trung tâm không chỉ là nơi cung cấp nguyên liệu mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế. Trung tâm này được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam kiểm soát tốt hơn nguồn nguyên liệu sản xuất, đặc biệt là trong bối cảnh thương mại quốc tế đang có nhiều diễn biến. Các nhà sản xuất hiện đang phải đối mặt với thách thức từ sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, đặc biệt là từ Trung Quốc, Hàn Quốc và các quốc gia ASEAN khác. Việc xây dựng trung tâm nguyên liệu trong nước không chỉ giảm thiểu rủi ro từ những biến động của thị trường quốc tế mà còn tăng cường năng lực sản xuất của ngành công nghiệp này tại Việt Nam.
Ngành dệt may và da giày là những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đóng góp đáng kể vào tổng kim ngạch xuất khẩu quốc gia với mức tăng trưởng bình quân hàng năm là 10%.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, hiện có nhiều chợ nguyên phụ liệu đang hoạt động, tuy nhiên quy mô nhỏ lẻ và không hiệu quả. Về lâu dài, Việt Nam cần có trung tâm giao dịch và phát triển cung ứng nguyên, phụ liệu vì khi thị trường và ngành dệt may, da giày trong nước phát triển, sẽ cần có nơi để tập trung mẫu, phân phối nguyên, phụ liệu, đầu tư, chuyển giao công nghệ và giao dịch giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Cũng theo ông Trương Văn Cẩm, cần phải thúc đẩy phát triển hoạt động của thị trường cung ứng nguyên phụ liệu theo hướng quy mô, chuẩn hóa và minh bạch, có như vậy mới giúp các doanh nghiệp trong ngành đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới sáng tạo và nâng cao tính năng động, hiệu quả, có cơ hội vươn lên tham gia mạnh mẽ hơn vào chuỗi cung ứng của ngành.
Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã xác định dệt may – da giầy là hai trong số 7 ngành công nghiệp ưu tiên của Việt Nam. Tuy nhiên, để tiếp tục phát triển ngành trong giai đoạn sắp tới, cần có những giải pháp đột phá để nâng cấp chuỗi giá trị ngành nhằm tạo ra những lợi ích bền vững.
Để làm được điều này, cần phải thúc đẩy phát triển hoạt động của thị trường cung ứng nguyên phụ liệu theo hướng quy mô, chuẩn hóa và minh bạch. Từ đó giúp các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao tính năng động, hiệu quả, có cơ hội vươn lên và tham gia vào chuỗi cung ứng ngành.
Trên cơ sở đó, ông Thuấn kiến nghị xây dựng khu trung tâm giao dịch phát triển nguyên phụ liệu và đổi mới sáng tạo ngành thời trang Việt Nam tại Bình Dương.
Công tThương