Trung Quốc đã tuyên bố sẽ đẩy nhanh đầu tư vào hơn 100 dự án trọng điểm quốc gia, và thúc đẩy tiêu dùng nội địa để giúp ổn định tăng trưởng, khi áp lực lên nền kinh tế gia tăng trong bối cảnh bùng phát Covid trong nước ngày càng trầm trọng.
“Nền kinh tế đang ở giai đoạn quan trọng để vượt qua khó khăn. Chúng ta phải ưu tiên hơn nữa việc ổn định tăng trưởng và thực hiện một cách vững chắc chiến lược mở rộng nhu cầu trong nước”, theo một tuyên bố trên trang web của chính phủ được công bố sau cuộc họp nội các hôm thứ Hai do Thủ tướng Lý Khắc Cường chủ trì.
Phó thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa (trái) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (đứng giữa)
Các đợt bùng phát đại dịch mới và tình trạng đóng cửa đang gây thêm khó khăn cho nền kinh tế vốn đã bị ảnh hưởng bởi tiêu dùng tư nhân suy yếu và khủng hoảng thị trường nhà ở. Quốc vụ viện cho biết họ sẽ tránh làm tràn ngập nền kinh tế với thanh khoản và thực hiện các biện pháp mục tiêu để thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư hiệu quả.
Chính phủ sẽ đảm bảo tài chính và đất đai sẵn có cho các dự án trọng điểm liên quan đến các lĩnh vực như an ninh lương thực và năng lượng, sản xuất tiên tiến và công nghệ cao, và căn hộ vừa túi tiền. Trong khi đó, các chương trình thủy điện lớn đã được xem xét trong nhiều năm cần được khởi động để tạo việc làm và thu nhập cho người lao động nhập cư.
Phó Thủ tướng Hồ Xuân Hoa cho biết chính phủ sẽ nỗ lực tạo việc làm mới, duy trì các chức vụ hiện có và quan tâm đến nhu cầu việc làm của thanh niên và các nhóm yếu thế ở các thành phố. Sự ổn định thậm chí còn quan trọng hơn khi quốc gia này chuẩn bị cho đại hội đảng vào cuối năm nay.
Theo tuyên bố của Hội đồng Nhà nước, tiền từ gói trái phiếu chính quyền địa phương được bán với giá 1,2 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 188 tỷ USD) trong quý 4 năm 2021 nên được dồn vào việc chi trả cho các dự án càng nhanh càng tốt, và khoản nợ mới được phê duyệt cho năm nay nên được bán sớm. Các bước này sẽ là chìa khóa để đảm bảo nền kinh tế được duy trì ổn định trong nửa đầu năm 2022.
Sự xuất hiện của biến thể omicron được cho là sẽ gây ra nhiều tổn thất hơn về kinh tế cho Trung Quốc, khi nước này áp dụng chính sách Zero-Covid và đóng cửa một số thành phố, có khả năng gây ra gián đoạn thường xuyên hơn đối với sản xuất và chi tiêu của người tiêu dùng.
Bài: Nguyễn Nam – Theo Bloomberg