Hạng mục thi công kết cấu thép mái nhà ga chiếm 10% giá trị hợp đồng công trình nhà ga hành khách của giai đoạn 1 tại Sân bay Long Thành.
Ngày 25/8, Ban Quản lý Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành cho biết, các đơn vị thi công đã chính thức bắt đầu lắp dựng kết cấu thép mái nhà ga hành khách tại sân bay Long Thành. Đây là một hạng mục có quy mô lớn và tính kỹ thuật cao, với tổng khối lượng các kết cấu thép để lắp dựng khung mái nhà ga lên đến 32.000 tấn. Công trình này đóng vai trò quyết định trong tiến độ chung của toàn dự án.
Hạng mục thi công kết cấu thép mái nhà ga thuộc gói thầu 5.10, có giá trị khoảng 3.500 tỷ đồng, chiếm 10% giá trị hợp đồng công trình nhà ga hành khách của giai đoạn 1 tại Sân bay Long Thành. Gói thầu này bao gồm việc thi công xây dựng nhà ga trung tâm và ba cánh, với kết cấu 1 trệt và 3 lầu, cùng chiều cao đỉnh mái đạt 45,55m. Nhà ga được thiết kế với hai cao trình đi và đến tách biệt, tổng diện tích sàn khoảng 376.451m2, và có 40 vị trí đỗ dành cho các loại tàu bay Code C, E và F.
Ngày 22/8/2024, công tác lắp đặt kết cấu thép phần mái cánh nhà ga bắt đầu triển khai, hiện đã lắp được hai khung thép còn phần mái thân chính sẽ lắp dựng từ tháng 9 và kéo dài vài tháng. Phần xây dựng dự kiến hoàn thành trước tháng 12/2025 và lắp dựng mặt đứng trước tháng 3/2026 song song với công tác hoàn thiện, lắp đặt thiết bị vận hành thử từ đầu năm 2026.
Sau khi hoàn thành phần kết cấu bê tông, liên danh nhà thầu đã bắt đầu triển khai lắp dựng kết cấu thép mái đầu tiên của công trình. Đây là một trong những hạng mục thi công quan trọng nhất của dự án Sân bay Quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Do đó, việc kiểm tra chất lượng thép đầu vào được thực hiện rất nghiêm ngặt, các thí nghiệm đều tuân thủ đúng tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án để đảm bảo chất lượng công trình.
Nhà ga hành khách là hạng mục quan trọng bậc nhất trong dự án xây dựng Sân bay Quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Với vai trò trung tâm trong toàn bộ dự án, tiến độ và chất lượng thi công của hạng mục này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ chung của toàn bộ công trình.
Dự án sân bay Long Thành được triển khai trên diện tích 5.000ha với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 336.630 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2026, sân bay Long Thành dự kiến sẽ có công suất phục vụ 25 triệu hành khách mỗi năm, trở thành sân bay lớn nhất cả nước. Vì vậy, ngoài việc nâng cao năng lực khai thác, việc có thêm đường cất hạ cánh sẽ giúp sân bay tránh được tình trạng phải đóng cửa toàn bộ khi có sự cố, bảo trì, hoặc thiên tai.
Trên cơ sở phân tích giữa Cảng hàng không quốc tế Long Thành và Tân Sơn Nhất, sản lượng hành khách quốc tế tại Long Thành sẽ chiếm hơn 80% tổng sản lượng hành khách quốc tế của cả hai sân bay. Do đó, dự án Sân bay Quốc tế Long Thành là một trong những dự án hạ tầng quan trọng nhất của Việt Nam, với kỳ vọng sẽ nâng tầm hệ thống giao thông hàng không của quốc gia, cũng như tạo động lực phát triển kinh tế cho khu vực.
KTĐT