Ngày 15 tháng 8 vừa qua, VinFast đã làm nên lịch sử khi chính thức được niêm yết trên sàn Nasdaq. Dấu mốc này của VinFast không những là một bước tiến cho doanh nghiệp mà còn là bước tiến lớn cho nền kinh tế Việt Nam nói chung. Trong bài viết này, hãy cùng nhìn lại sự nghiệp của người đứng sau thành tựu trên – tỷ phú Phạm Nhật Vượng, từ chủ một hãng mì ăn liền đến một trong những người giàu nhất châu Á thời điểm hiện tại.
Từ cậu sinh viên du học đến ông chủ TECHNOCOM nơi xứ người
Ông Phạm Nhật Vượng thành công với mì Mivina tại Ukraine (Ảnh: Tổng hợp)
Phạm Nhật Vượng (sinh ngày 5/8/1968 tại Hà Nội, quê quán Hà Tĩnh), hiện tại là Chủ tịch HĐQT của tập đoàn Vingroup. Ông Vượng từng trải qua tuổi thơ khó khăn khi cả gia đình phụ thuộc vào thu nhập ít ỏi là quán trà đá vỉa hè do mẹ ông làm chủ. Tuy nhiên, với nỗ lực vươn lên, ông Vượng đạt học bổng du học ở trường Russian State Geological Prospecting University (Đại học Khảo sát Địa chất Nga) nhờ thành tích xuất sắc trong môn Toán. Năm 1993, ông Vượng tốt nghiệp đại học.
Nắm bắt được tình hình thiếu thốn lương thực của Ukraine thời hậu Liên Xô, ông đã quyết định mở dây chuyền mì ăn liền và thành lập ra thương hiệu Mivina. Hoạt động kinh doanh mì gói thuận lợi, ông Vượng thuận đà mở công ty TECHNOCOM, tung ra các sản phẩm rau thơm khô đóng gói và bột khoai tây. Tính đến năm 2004, TECHNOCOM là ông vua của thị trường mì ăn liền với thị phần chiếm 97% tại Ukraine. TECHNOCOM được coi như là tiền đề của sự phát triển của VINGROUP như bây giờ và 8/8/1993 cũng được lấy là ngày thành lập của công ty hiện tại.
Tập đoàn Vingroup ra đời và lớn mạnh thần kỳ
Vinpearl Condotel Hòn Tre (Ảnh: Condotel)
Nhờ số vốn kiếm được từ kinh doanh nơi xứ người, ông Vượng trở về Việt Nam đầu tư và mở hai công ty bất động sản đầu tiên là Vinpearl năm 2000 và Vingroup năm 2002. Vừa điều hành công ty mì gói Mivina, ông Vượng vừa sang Singapore và Thái Lan để học hỏi về kinh doanh khách sạn và xây dựng khu nghỉ dưỡng. Chính nhờ sự nỗ lực không ngừng nghỉ của ông Vượng, Vincom và Vinpearl Land mới đạt được thành công như ngày hôm nay. Dự án khu nghỉ dưỡng đầu tiên của ông Vượng được thực hiện tại Đảo Hòn Tre Nha Trang.
Ngày 19/9/2007, cổ phiếu VIC của Công ty Cổ phần Vincom – tiền thân của Tập đoàn Vingroup – chính thức niêm yết trên sàn HoSE. Năm 2010, công ty Nestlé – công ty thực phẩm và giải khát lớn nhất thế giới đã mua lại TECHNOCOM với mức giá được tiết lộ lên tới 150 triệu đô. Từ đó, ông Vượng tập trung toàn lực đầu tư trong nước. Năm 2011, hai Công ty CP Vinpearl và Công ty CP Vincom hợp nhất để hoạt động dưới một pháp nhân mới – Tập đoàn Vingroup.
Tại thời điểm đó, Công ty CP Vincom là thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực BĐS cao cấp, với vốn điều lệ hơn 3.900 tỷ đồng tính tới ngày 4/10/2011, còn Công ty CP Vinpearl cũng là cánh chim đầu đàn trong ngành Du lịch. đã lớn mạnh và có tốc độ phát triển thần kì trong suốt 2 thập niên đầu thế kỷ 21, bất kỳ dự án nào của Vin cũng đều được coi là đẳng cấp và uy tín, đại diện cho giới nhiều tiền tại Việt Nam.
Không chỉ kinh doanh bất động sản, Vingroup có hệ sinh thái riêng
Hệ sinh thái của Tập đoàn Vingroup (Ảnh: Vingroup)
Năm 2012, CTCP Vincom Retail (HoSE: VRE) có tiền thân là Công ty TNHH Vincom Retail ra đời. VRE là công ty thành viên của Tập đoàn Vingroup (VIC), được định hướng là đơn vị phát triển và vận hành hệ thống trung tâm thương mại mang thương hiệu Vincom của Tập đoàn. Công ty hoạt động trong lĩnh vực cho thuê các trung tâm thương mại bán lẻ và các dịch vụ liên quan, cũng như đầu tư phát triển và kinh doanh các loại hình bất động sản với 4 mô hình sản phẩm: Vincom Center, Vincom Mega Mall, Vincom Plaza và Vincom+.
Ngày 6/11/2017, Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) công bố và trao quyết định niêm yết, chào mừng ngày giao dịch đầu tiên của Công ty Cổ phần Vincom Retail với mã cổ phiếu VRE. Tháng 11/2013, Tập đoàn Vingroup chính thức ra mắt hệ thống căn hộ và biệt thự cao cấp mang thương hiệu Vinhomes theo tiêu chuẩn 5 sao. Tháng 5/2018, Công ty CP Vinhomes chính thức niêm yết trên sàn HoSE.
Công trình Landmark 81 (quận Bình Thạnh, TP.HCM) được Vingroup đầu tư xây dựng và hoàn thiện vào năm 2018, trở thành tòa nhà cao nhất Việt Nam và Đông Nam Á, mãi đến năm 2022 kỷ lục này mới bị xô đổ. Bên cạnh bất động sản, Vingroup còn “lấn sân” sang nhiều lĩnh vực, tạo ra hệ sinh thái riêng của mình gồm: Trường học VinSchool – VinUni, siêu thị Vinmart (đã bán cho tập đoàn Masan), bệnh viện VinMec, trung tâm thương mại Vincom, điện thoại Vsmart,v.v.
VinFast ra đời với ước vọng mang thương hiệu Việt ra năm châu
Lễ khởi công xây dựng nhà máy đầu tiên của VinFast tại Hoa Kỳ (Ảnh: VOV)
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng từng chia sẻ, “Ngày xưa là câu chuyện cơm áo gạo tiền. Đầu tiên khi đi làm là muốn kiếm tiền giúp bố mẹ đỡ nghèo đỡ khổ. Sau này có tí tiền lên thì để mình sống một cách thoải mái sung túc, vợ con đề huề. Dần dần lớn lên nữa thì công việc là đam mê. Và đến giờ mục tiêu cuối cùng là làm được cái gì đó cho đời.”
Nhận thấy thời đại xe điện sắp bùng nổ, ông Vượng quyết định bắt tay vào sản xuất những chiếc xe điện đầu tiên tại Việt Nam. Ngày 02/9/2017 Công ty VinFast tổ chức lễ khởi công xây dựng tổ hợp nhà máy sản xuất xe máy và ô tô tại thành phố Hải Phòng. Chỉ vỏn vẹn 21 tháng để hoàn thiện thần tốc nhà máy, VinFast được đánh giá là công ty xe điện hiện đại bậc nhất khu vực Đông Nam Á.
Ngày 24/3/2021, VinFast cho ra mắt mẫu xe ô tô điện VF E34 nằm trong phân khúc SUV hạng C. Tháng 11 năm 2022, 999/65.000 xe ô tô điện thông minh trong đơn đặt hàng đầu tiên đã được Vinfast xuất khẩu sang cho các khách hàng tại Hoa Kỳ. Đây là sự kiện có ý nghĩa nhiều mặt khi lần đầu tiên những chiếc ô tô điện của Việt Nam tham gia vào thị trường toàn cầu.
VinFast – công ty xe điện đầu tiên của Việt Nam niêm yết trên sàn Nasdaq
VinFast chính thức rung chuông tại Nasdaq (Ảnh: VnEconomy)
Ngày 29 tháng 7 năm 2023, nhà máy đầu tiên của VinFast tại Hoa Kỳ chính thức khởi công, có công suất 150.000 xe mỗi năm, sản xuất và lắp ráp ba dòng ôtô điện cho thị trường nội địa. Dự kiến, nhà máy sẽ tạo ra hàng nghìn việc làm, góp phần phát triển kinh tế Bắc Carolina, khẳng định vị thế chiến lược của hãng tại thị trường Bắc Mỹ. Đây là dấu mốc lớn đầu tiên của Vingroup trên trường quốc tế.
Trước đây, VinFast vốn có kế hoạch IPO, nhưng đã sớm từ bỏ kế hoạch này và chọn cách niêm yết thông qua sáp nhập với SPAC sau khi nhận thấy sự hứng thú của nhà đầu tư đối với các startup suy giảm trong năm qua. VinFast đã sáp nhập với Black Spade Acquisition Co., một SPAC được thành lập bởi “ông trùm” ngành casino Lawrence Ho. Chính sự nhanh nhạy trong tầm nhìn đã khiến Vingroup đánh dấu cột mốc lớn thứ hai – niêm yết trên sàn Nasdaq.
Ngày 15 tháng 8 năm 2023, báo chí trong và ngoài nước đều rầm rộ đưa tin về sự kiện cổ phiếu VinFast chính thức niêm yết trên sàn Nasdaq với mã giao dịch VFS. Không thể phủ nhận bước tiến này của Vingroup cũng chính là một bước tiến của Việt Nam trong hành trình sánh vai cùng các cường quốc năm châu.
Từ một công ty xe điện non trẻ, VinFast trở thành đối thủ của ông lớn Tesla
Bà Lê Thị Thu Thủy – chủ tịch VinFast (Ảnh: Tuổi trẻ thủ đô)
Chốt phiên giao dịch hôm 15/8, giá trị vốn hóa của Vinfast Auto đạt 85,5 tỷ USD, giúp hãng xe điện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng lọt top 5 hãng ô tô có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới. Phiên chào sàn của doanh nghiệp Việt đã kết thúc tốt đẹp khi chốt phiên, cổ phiếu VFS đóng cửa ở mức giá 37,06 USD/cp, tăng 68,4% so với mức giá chào sàn là 22 USD/cp. Khối lượng khớp lệnh trong phiên đầu tiên đạt mức gần 6,8 triệu cổ phiếu.
Với mức giá đóng cửa này, giá trị vốn hóa của Vinfast Auto đạt 85,5 tỷ USD, giúp hãng xe điện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng lọt top 5 hãng ô tô có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới, vượt mặt nhiều ông lớn đã có lịch sử cả trăm năm tuổi như General Motors, Volswagen, Honda, Ford, BMW. Nắm giữ 51% cổ phần của VinFast nên Tập đoàn Vingroup cũng hưởng lợi khi cổ phiếu VFS tăng giá. Giá trị vốn hóa của Vingroup vừa được cộng thêm hơn 44 tỷ USD.
Hiện Tesla đang là nhà sản xuất ô tô có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới, với giá trị vốn hóa đạt 738 tỷ USD tính theo giá chốt phiên ngày hôm qua. So với ông trùm xe điện Tesla, quy mô VinFast vẫn còn rất khiêm tốn. Tuy nhiên, công ty vẫn còn một hành trình dài phía trước để phát triển.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng thăng hạng trong danh sách tỷ phú toàn cầu
Ông Phạm Nhật Vượng (Ảnh: VnEconomy)
Trong cơ cấu, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang nắm khoảng 45% cổ phần của VinFast. Vì vậy, cổ phiếu VinFast bật tăng mạnh giúp tài sản của ông cũng tăng thêm 39 tỷ USD, nâng tổng tài sản lên hơn 44 tỷ USD. Đây cũng là mức tài sản lớn nhất từ trước đến nay của một tỷ phú người Việt.
Dựa vào mức tài sản ròng được Bloomberg cập nhật, hôm 15/8, ông Vượng tạm thời lọt vào top 30 người giàu nhất hành tinh. Trong bảng xếp hạng tỷ phú Bloomberg Billionaires Index, ông Vượng là gương mặt duy nhất đại diện cho khối Đông Nam Á vào top 5 người giàu bậc nhất châu Á.
Khối tài sản của ông Vượng cũng tạm thời vượt hàng loạt tỷ phú nổi tiếng khác trên thế giới: tỷ phú Zhang Yiming (42,3 tỷ USD, sáng lập Công ty mẹ TikTok), tỷ phú Jensen Huang (39,3 tỷ USD, CEO gã khổng lồ ngành chip Nvidia), tỷ phú Ma Huateng (38,4 tỷ USD, vị tỷ phú kín tiếng và quyền lực bậc nhất giới công nghệ Trung Quốc, ông chủ của gã khổng lồ công nghệ Tencent).
Giang Nguyễn (Tổng hợp)