Trong gần hai năm qua, dưới tác động của Covid – 19, giống như mọi doanh nghiệp trong nền kinh tế, các công ty start-up cũng phải gánh chịu những tác động nặng nề.
Cụ thể, ông Trần Quang Hưng, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội, đại diện Quỹ đầu tư Vinacapital Ventures cho biết, qua khảo sát, trong năm vừa qua, khoảng một nửa lượng đầu tư mạo hiểm vào các start-up Việt Nam đã giảm.
“Tuy nhiên, trong khó khăn luôn có những cơ hội xuất hiện và doanh nghiệp nào nhanh nhạy, thay đổi kịp với thời cuộc có thể mang lại giá trị, đột phá mới”, ông Trần Quang Hưng nhấn mạnh.
Thị trường F&B tìm ra hướng đi mới trong đại dịch
The Coffee House trước đây từng nói không với các ứng dụng giao đồ ăn. Cụ thể, phía công ty duy trì quan điểm tự phát triển kênh online để trực tiếp phục vụ khách hàng, nắm bắt được nhu cầu và thị hiếu của thị trường.
Tuy nhiên, giữa bối cảnh dịch bệnh Covid – 19 còn diễn biến phức tạp, xu hướng tiêu dùng của khách hàng thay đổi nhanh chóng, The Coffee House có động thái cởi mở hơn với bên thứ ba. Từ ngày 14/5/2021, The Coffee House chính thức đưa sản phẩm hãng lên kệ Baemin, thời gian đầu thí điểm tại khu vực TP.HCM, Biên Hoà, Đà Nẵng và Hà Nội.
Đặc biệt, giữa bối cảnh làn sóng Covid thứ tư bùng phát, The Coffee House cho biết sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác với các bên, nhằm tăng độ phủ cũng như đón đầu được thói quen dùng trực tuyến của khách hàng.
“Phương châm của chúng tôi là có mặt ở những nơi khách hàng cần để tạo sự tiện lợi. Đó là lý do vì sao chúng tôi mở rộng ra nhiều tỉnh thành và mở rất nhanh, có mặt trên các nền tảng thương mại điện tử, nền tảng giao nhận và cả trên tay khách hàng thông qua các ứng dụng trên smartphone”, Chủ tịch The Coffee House, ông Đinh Anh Huân cho biết.
Nói về hiệu quả các kênh bán hàng online, theo đại diện hãng, hiện khách hàng có thể đặt mua cà phê và các loại đồ uống The Coffee House ở rất nhiều nền tảng: App The Coffee House, Website, Call Center, các trang thương mại điện tử, app thanh toán và giao hàng…
Khách hàng đang quen dần trải nghiệm số hoá cùng The Coffee House với việc đặt hàng trước đến nhận sau (pickup). Đặt hàng mang về (delivery) dần chiếm tỷ trọng cao hơn trong tổng doanh thu. Các phương án giao hàng cũng ngày càng cải thiện (tỷ lệ giao hàng trong vòng 30 phút đạt đến hơn 85%).
Xác định Covid – 19 không ngày một ngày hai biến mất, dịch có thể trở lại với các biến chủng mới và phức tạp hơn, The Coffee House luôn đặt mình trong cảnh sống chung với dịch ít nhất đến giữa năm 2022
Start-up công nghệ vượt bão Covid – 19
Từng nhận vốn 2,45 triệu USD trong năm 2020, CEO kiêm nhà sáng lập JobHopin Kevin Tùng Nguyễn (start – up tuyển dụng bằng AI) chia sẻ dịch bùng phát đã tác động mạnh mẽ đến khách hàng ở nhiều ngành nghề lĩnh vực. Nhưng cũng có những lĩnh vực như tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, công nghệ… lại ít bị ảnh hưởng. JobHopin đã tập trung vào những khách hàng của nhóm và đẩy mạnh phát triển trên môi trường online. Do đó, start-up này vẫn phát triển vượt trội trong năm Covid – 19 vừa qua.
CEO Kevin Tùng Nguyễn cho rằng, khi mọi thứ đã được đẩy lên online, làm việc từ xa nên đã tối ưu hóa hiệu quả mọi hoạt động. Các doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ đã và đang phát triển tốt thì vẫn có thể đẩy mạnh phát triển ở các thị trường khác. Thông qua nền tảng làm việc từ xa, các nhân sự Việt Nam vẫn có thể làm việc và có cơ hội tiếp cận với các công việc ở những công ty ở Nhật, Mỹ, Hàn Quốc, Singapore… Cũng vì thế mà trong quá trình gọi vốn, JobHopin không chỉ gọi các quỹ tài chính mà cả các tập đoàn lớn về tuyển dụng nhân sự, giáo dục trực tuyến… Khi đó, start-up không chỉ có vốn mà còn có cả những khách hàng ở thị trường mới.
Một start-up khác cũng đạt được kết quả tăng trưởng tốt trong năm qua là Abivin, chuyên cung cấp giải pháp tối ưu chuỗi cung ứng trong nhiều lĩnh vực. CEO kiêm nhà sáng lập Abivin Phạm Nam Long cho biết, mặc dù bị ảnh hưởng của Covid – 19 nhưng Abvin vẫn đạt tăng trưởng dương. Trong 5 tháng đầu năm đã tăng trưởng gấp đôi và mục tiêu trong năm 2021 sẽ tăng trưởng gấp 3 lần so với năm trước.
Mặc dù Covid – 19 đã gây khó khăn tới hoạt động của doanh nghiệp cung cấp giải pháp như Eureka Robotics bởi làm về robot cần phải hỗ trợ, lắp đặt hệ thống, giải quyết các sự cố trong vận hành… Nhưng “trong nguy có cơ”, để giải quyết thách thức này, đồng sáng lập kiêm CTO (A chief technology officer) của Eureka Robotics Phạm Tiến Hùng cho biết đã phát triển các giải pháp công nghệ hỗ trợ lắp đặt robot từ xa, tận dụng nguồn nhân công bản địa.
Chính điều này đã giúp Eureka Robotics có cơ hội tiếp cận, phát triển rộng hơn nữa ra nước ngoài, ở cả những thị trường khó hơn như Trung Quốc, Nhật Bản…
Tận dụng thế mạnh công nghệ đã giúp start-up thắng ở các thị trường lớn và khó. Điều này sẽ tạo bàn đạp để doanh nghiệp triển khai những giải pháp dễ hơn với chất lượng cao hơn và tốc độ nhanh hơn.
Nhiều cơ hội bứt phá
Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư công nghệ Việt Nam do Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) công bố tháng 6/2021 cũng phân tích triển vọng năm 2021 rằng, mặc dù thị trường đầu tư công nghệ Việt Nam có sự chững lại do tác động của COVID-19 nhưng các nhà sáng lập tại Việt Nam đã tận dụng mọi nguồn lực có thể để trụ vững và tiếp tục phát triển.
Khủng hoảng luôn là chất xúc tác mạnh mẽ để các mô hình kinh doanh đột phá xuất hiện. “Với những nỗ lực từ phía Chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số và tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, các start-up Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để bứt phá khi hoạt động đầu tư dần phục hồi”, Báo cáo nhận định.
Mới đây, Quỹ đầu tư mạo hiểm Golden Gate Ventures của Singapore cũng nhận định, cuối thập kỷ này, sẽ có thêm nhiều start-up ở Đông Nam Á xuất hiện với số lượng các công ty phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) hằng năm trong khu vực này dự kiến sẽ vượt qua con số 300 vào năm 2030.
Trong số đó, Việt Nam được đánh giá là “ngôi sao đang lên” của khu vực và sẽ trở thành quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp lớn thứ 3 ở Đông Nam Á vào năm 2022 với thêm nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm trong khu vực cam kết rót vốn đầu tư giai đoạn đầu vào các công ty khởi nghiệp tại đây.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố Dự án “Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp có tính đổi mới sáng tạo” (ADB Ventures). Hoạt động sẽ được thực hiện trong 2 năm (2021-2023) với sự tài trợ của ADB nhằm tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Thao thu