First Republic đã trở thành ngân hàng thứ ba của Hoa Kỳ phá sản trong hai tháng qua – và lý do có liên quan nhiều đến tình hình tài chính của công ty – đặc biệt là từ nhóm khách hàng lớn.
Cuộc khủng hoảng ngân hàng bắt đầu với Silicon Valley Bank vào tháng 3 đã gây ra không ít hoảng loạn cho người gửi tiền và nhà đầu tư, những người đã nhanh chóng tìm cách rút khỏi nhóm cổ phiếu ngân hàng.
First Republic, chỉ lớn hơn SVB một chút và phục vụ cho nhóm khách hàng giàu có tương tự, ngay lập tức trở thành tâm điểm tiếp theo của sự chú ý.
Cả hai ngân hàng có trụ sở tại Bay Area đều phục vụ cho các khách hàng ưu tú — doanh nghiệp và cá nhân có tài sản lớn. Trong cả hai trường hợp, lượng tiền gửi bình quân vào cả hai đều lớn hơn nhiều so với con số 250.000 USD mà FDIC chấp nhận chi trả.
Cơ sở khách hàng thiếu ổn định đó gây rủi ro cho các nhà đầu tư.
Và thực sự, khi First Republic công bố thu nhập quý đầu tiên vào thứ Hai (1/5) – kèm theo một cuộc gọi ngắn gọn đến khó tin của nhà đầu tư, trong đó các nhà lãnh đạo không nhận được câu hỏi nào từ các nhà đầu tư hoặc giới truyền thông – ngân hàng tiết lộ rằng họ đã mất hơn 40% tiền gửi, tương đương khoảng 100 tỷ USD. Tin tức này đã đẩy giá cổ phiếu công ty xuống mức thấp kỷ lục.
Các ngân hàng lớn như JPMorgan Chase và Bank of America đã đa dạng hóa tệp khách hàng của họ để củng cố khả năng tài chính. Nói cách khác, họ là những người bình thường có ít hơn 250.000 đô la trong ngân hàng và sẽ không rút tiền khẩn cấp.
Khoảng hai phần ba số tài khoản tiết kiệm của First Republic không được bảo hiểm. Con số này thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 94% không có bảo hiểm của Silicon Valley Bank, nhưng First Republic cũng có tỷ lệ cho vay trên tiền gửi lớn bất thường là 111% vào cuối năm ngoái, theo S&P Global — nghĩa là ngân hàng này đã cho vay nhiều tiền hơn số tiền mà khách hàng gửi vào.
Bài: Hiếu Võ – Theo CNN