Các thỏa thuận tại Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa hai bên (IPA) sẽ giúp bổ sung, làm sâu sắc quan hệ đối tác giữa EU và Việt Nam.
Vận hội mới
EVFTA đã đặt các nhà xuất khẩu và nhà đầu tư của EU ngang hàng với các nước và khu vực khác đã ký kết FTA, với Việt Nam và các thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Sau một năm thực hiện FTA, các thương nhân Việt Nam đã nhận được nhiều lợi ích. Cụ thể, về mặt thị trường, EVFTA cho phép các nhà xuất khẩu Việt Nam tiếp cận hơn 450 triệu người tiêu dùng châu Âu. Kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, khoảng 85,6% tổng số dòng thuế đã được xóa bỏ hoàn toàn đối với hàng hóa của Việt Nam. Con số này chiếm 70,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Việc loại bỏ dần thuế nhập khẩu dẫn đến sự gia tăng 20% xuất khẩu hàng năm của Việt Nam sang EU.
Bên cạnh đó, EVFTA còn cung cấp cơ hội tiếp cận thị trường Việt Nam một cách tốt nhất. Các ngành dịch vụ quan trọng được mở theo EVFTA gồm các dịch vụ trong lĩnh vực máy tính, bưu chính, xã hội, giáo dục đại học, môi trường, phân phối, tài chính, vận tải hàng hải, vận tải hàng không và viễn thông.
Một thỏa thuận bao trùm
EVFTA và IPA vừa tạo ra cơ hội mới cho tăng trưởng và phát triển, vừa thúc đẩy phát triển bền vững của cả hai bên, bao gồm các cam kết nhằm bảo vệ các quyền cốt lõi của mọi người tại nơi làm việc và môi trường.
EVFTA và IPA đã được đàm phán cùng nhau như một gói về đầu tư và thương mại. EVFTA gồm các cam kết mở cửa thị trường, mang lại lợi thế quan trọng cho các nhà đầu tư EU trong việc tiếp cận thị trường Việt Nam và ngược lại trong các điều kiện công bằng.
IPA sẽ bảo vệ tài sản của các nhà đầu tư EU tại Việt Nam và của các nhà đầu tư Việt Nam tại EU. IPA đưa ra các tiêu chuẩn về bảo hộ đầu tư, là những bảo đảm cơ bản buộc các chính phủ phải tôn trọng một số nguyên tắc đối xử cơ bản mà nhà đầu tư nước ngoài có thể dựa vào khi quyết định đầu tư.
Minh bạch và công bằng
Một yếu tố mới của IPA là khuôn khổ bảo hộ đầu tư hiện đại và đã được cải cách, bao gồm hệ thống tòa án đầu tư để giải quyết các tranh chấp đầu tư, loại bỏ các phần tranh chấp của cơ chế, giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước kiểu cũ.
Trái ngược với các hiệp ước đầu tư đang có hiệu lực giữa Việt Nam và các nước thành viên EU, tất cả các thủ tục theo IPA hoàn toàn minh bạch, các phiên điều trần được công khai và các bên thứ ba quan tâm, như các tổ chức xã hội dân sự phi chính phủ, sẽ được phép đệ trình. Điều này đảm bảo rằng, tất cả các khía cạnh quyền con người và phát triển bền vững sẽ được tòa án đầu tư xét xử một cách hiệu quả. Và để đủ điều kiện trở thành nhà đầu tư, các công ty phải điều hành các hoạt động kinh doanh thực sự tại EU hoặc tại Việt Nam.
Bài: Hoài Linh – Tổng hợp