Theo Chứng khoán Everest (EVS), lợi nhuận quý 3 vượt kỳ vọng kéo theo tâm lý lạc quan của nhà đầu tư và dòng tiền ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ giúp VN-Index chinh phục mốc kỷ lục mới.
Tín hiệu mới cho sự tăng trưởng
Trong phiên giao dịch buổi sáng ngày 08/11/2021, VN-Index tiếp tục duy trì đà tăng phiên thứ 3 liên tiếp và đang thiết lập mức cao mới. Số mã tăng áp đảo số mã giảm chứng tỏ bên mua hiện chiếm được ưu thế lớn.
Chỉ số vẫn hướng đến đường Upper Band và dải Bollinger Bands tiếp tục mở rộng cho thấy tình hình của VN-Index đang khá khả quan. Mục tiêu mà chỉ số đang hướng đến là ngưỡng Fibonacci Projection 61.8% (quanh mức 1,500 điểm).
Credit: Vietstock
Chỉ báo Relative Strength Index thiết lập trendline tăng ngắn hạn (bắt đầu từ tháng 09/2021). Bên cạnh đó, chỉ báo MACD tiếp tục duy trì ở trên đường tín hiệu (signal line), qua đó càng ủng hộ cho khả năng tiến lên mức 1,500 điểm.
Động lực chính cho đà tăng của thị trường đến từ việc thúc đẩy nhanh giải ngân đầu tư công. Cụ thể, yêu cầu từ Chính phủ đẩy nhanh việc giải ngân đầu tư công 3 tháng cuối năm, nhằm đạt ít nhất 95% so với kế hoạch năm 2021 là 461,000 tỷ đồng (9 tháng đầu năm giải ngân chưa đến 50%) nhằm hỗ trợ kinh tế phục hồi.
Bên cạnh đó, việc kỳ vọng gói hỗ trợ kinh tế có thể được Quốc hội chốt thông qua nhằm khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định đời sống kinh tế của người lao động cũng là một yếu tố tích cực tác động lên thị trường. Ngoài ra, tâm lý lạc quan của nhà đầu tư vào lợi nhuận quý 3 của các Công ty sẽ thu hút dòng tiền vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, từ đó tạo đà tăng cho VN-Index.
Top 10 cổ phiếu nóng tuần 8/11 – 12/11
Theo báo cáo của Phòng Tư vấn Vietstock, các cổ phiếu nóng được chọn lọc dựa trên các tín hiệu phân tích kỹ thuật, thanh khoản, mức độ quan tâm của nhà đầu tư.
CTD – CTCP Xây dựng Coteccons
Kênh giá tăng ngắn hạn vẫn đang duy trì trong suốt nhiều tuần qua. Giới phân tích dự kiến cận dưới của kênh (tương đương vùng 69,000-70,000) sẽ là hỗ trợ mạnh cho giá trong thời gian tới. Chỉ báo MACD đã tăng trở lại và khó có thể cắt xuống dưới đường tín hiệu nên nguy cơ giá điều chỉnh sâu không quá lớn. Khối lượng giao dịch nằm trên trung bình 20 ngày cho thấy dòng tiền thị trường đang bơm mạnh vào cổ phiếu CTD.
Credit: Vietstock
CTG – Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam
Trong phiên giao dịch ngày 05/11/2021, giá xuất hiện mẫu hình gần giống Dragonfly Doji cho thấy khả năng bứt phá vẫn còn. Giá đang bám vào Upper Band nên triển vọng ngắn hạn khá tích cực. Mục tiêu trong ngắn hạn là vùng 34,500-35,500 (tương đương đỉnh cũ tháng 08/2021).
DIG – Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng
Trong phiên giao dịch ngày 05/11/2021, chỉ số đỏ xuất hiện khiến nhiều nhà đầu tư rơi vào khá bi quan. Giá cổ phiếu DIG rung lắc và giằng co mạnh liên tục khi chạm ngưỡng Fibonacci Retracement 423.6% (tương đương vùng 59,000-60,000).
Tuy nhiên, đường SMA 50 ngày đã cắt lên trên đường SMA 100 ngày và SMA 200 ngày để tạo thành các điểm giao cắt vàng (golden cross). Bên cạnh đó, đường SMA 100 ngày và SMA 200 ngày cũng cho tín hiệu tương tự cho thấy xu hướng tăng trưởng dài hạn đang quay trở lại và rủi ro giảm sâu không quá lớn.
DPM – Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP
Giá tiếp tục mức cao nhất lịch sử trong phiên giao dịch ngày 05/11/2021. Mẫu hình White Marubozu cho thấy sự lạc quan của nhà đầu tư. Hiện tại, chỉ báo MACD đã cho tín hiệu mua trở lại nên triển vọng ngắn hạn khá tích cực. Khối lượng giao dịch tăng mạnh và vượt trung bình 20 ngày. Điều này cho thấy dòng tiền thị trường vẫn đang bơm vào DPM.
FPT – CTCP FPT
Trong phiên giao dịch ngày 05/11/2021, chỉ số xanh xuất hiện và giá bắt đầu tăng trưởng trở lại sau khi hoàn thành throwback. Mẫu hình Triangle xuất hiện sau khi giá tạo breakout trong tháng 10/2021. Mục tiêu giá (target price) của mẫu hình này lên đến vùng 104,000-105,000. Khối lượng giao dịch gia tăng và có thể vượt mức trung bình 20 ngày cho thấy dòng tiền vẫn không rời bỏ cổ phiếu FPT.
MSN – CTCP Tập đoàn Masan
Trong phiên giao dịch ngày 05/11/2021, mẫu hình Doji xuất hiện cho thấy nhà đầu tư đang khá phân vân. Chỉ báo Relative Strength đang nằm dưới trung bình 20 ngày cho thấy giá đang yếu hơn (underperform) so với thị trường chung. Nhà đầu tư cũng lo ngại về triển vọng tương lai khi mà tín hiệu bán mạnh của chỉ báo Stochastic Oscillator đã xuất hiện.
PSH – CTCP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu
Trong phiên giao dịch ngày 05/11/2021, giá cổ phiếu PSH phục hồi trở lại sau khi đã về đường SMA 200 ngày trong phiên giao dịch trước đó. Hiện tại, giá đang gặp thử thách tại ngưỡng Fibonacci Projection 38.2%.
Nếu vượt lên trên vùng mức này thì đà tăng của cổ phiếu sẽ được củng cố. Khi đó, mục tiêu tiếp theo của PSH sẽ là vùng đỉnh cũ liền kề và ngưỡng Fibonacci Projection 50%. Chỉ báo MACD nằm trên mức 0. Nếu tín hiệu này vẫn được duy trì thì rủi ro sẽ không lớn. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch sụt giảm dưới mức trung bình trong phiên cuối tuần cho thấy nhà đầu tư đang thận trọng trở lại.
SHB – Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội
Trong phiên giao dịch ngày 05/11/2021, giá cổ phiếu SHB tăng vượt vùng đỉnh cũ tháng 10/2021 (tương đương vùng 29,000-30,500) với mẫu hình nến White Closing Marubozu và khối lượng giao dịch tăng cao đột biến (vượt xa mức trung bình 20 ngày). Theo lý thuyết phân tích kỹ thuật thì vùng này sẽ trở thành hỗ trợ gần nhất nếu trạng thái điều chỉnh xuất hiện trở lại.
Chỉ báo MACD và chỉ báo Relative Strength Index vẫn duy trì những tín hiệu tích cực, qua đó càng ủng hộ cho khả năng tăng giá của SHB. Mục tiêu tiếp theo sẽ là vùng đỉnh cũ tháng 06/2021 (tương đương vùng 32,000-33,500).
VIC – Tập đoàn VINGROUP – CTCP
Trong phiên giao dịch ngày 05/11/2021, giá cổ phiếu VIC tiếp tục test đường kháng cự SMA 100 ngày. Nếu chinh phục hoàn toàn được kháng cự này thì đà tăng của VIC sẽ được củng cố. Khi đó, cổ phiếu sẽ có cơ hội test đường SMA 200 ngày.
Chỉ báo Stochastic Oscillator duy trì đà giảm sau khi cho bán trước đó. Nếu chỉ báo này rơi khỏi vùng quá mua (overbought) thì rủi ro sẽ tăng lên. Khi đó, đường SMA 50 ngày sẽ là hỗ trợ gần nhất cho cổ phiếu.
VPI – CTCP Đầu tư Văn Phú – INVEST
Trong phiên giao dịch ngày 05/11/2021, giá cổ phiếu VPI bứt phá đầy mạnh mẽ và vượt ngưỡng Fibonacci Projection 261.8% với mẫu hình nến Rising Window. Bên cạnh đó, khối lượng giao dịch tiếp tục tăng cao và duy trì trên ngưỡng trung bình 20 phiên gần nhất cho thấy dòng tiền của cổ phiếu đang khá dồi dào. Chỉ báo MACD và chỉ báo Relative Strength Index duy trì tín hiệu tích cực, qua đó chứng tỏ xu hướng tăng của cổ phiếu đang được ủng hộ.
Thu Thảo – tổng hợp