Tái cơ cấu toàn diện giai đoạn 2021-2025 được kỳ vọng là giải pháp giúp Vietnam Airlines phục hồi và sẵn sàng bứt phá. Trong đó, trọng tâm là tái cơ cấu nguồn vốn thông qua phát hành cổ phiếu, phát hành trái phiếu, bán bớt tàu bay dư thừa…
Phục hồi năng lực tài chính
Ông Đặng Ngọc Hoà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines cho biết, đại dịch Covid-19 đã làm tiềm lực tài chính của công ty bị suy giảm nặng nề, đồng thời khiến toàn bộ kế hoạch khai thác và hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty bị thay đổi.
Vietnam Airlines tố chức Đại hội cổ đông bất thường để đẩy mạnh tái cơ cấu giai đoạn 2021 – 2025.
Vì thế, phương án tái cơ cấu tổng thể doanh nghiệp giai đoạn 2021 – 2025 đã thu hút sự quan tâm lớn từ các cổ đông, được kỳ vọng là giải pháp giúp Vietnam Airlines phục hồi, tăng cường năng lực tài chính, và sẵn sàng nguồn lực phát triển thời kỳ hậu covid.
Theo báo cáo quý 2/2021, Vietnam Airlines âm vốn chủ sở hữu trên 2.700 tỷ. Với sự hỗ trợ từ gói 12.000 tỷ đồng, vốn của Vietnam Airlines hiện nay đã thoát khỏi con số âm. Tuy nhiên, gói 12.000 tỷ đồng chỉ giúp giải quyết những vấn đề của năm 2020, không đủ để giải quyết những khó khăn sau đó.
Vì vậy, Vietnam Airlines đặt mục tiêu tái cơ cấu nguồn vốn thông qua phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, huy động vốn từ bên ngoài và phát hành trái phiếu. Cụ thể, trong quý 3/2021 vừa qua, Vietnam Airlines chào bán thành công hơn 796,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và thu về hơn 7.961 tỷ đồng. Sau đợt phát hành, vốn điều lệ của hãng tăng lên 22.143 tỷ đồng.
Hãng cũng đã ký kết hợp đồng vay vốn 4.000 tỷ đồng với các ngân hàng thương mại. Do đó, Vietnam Airlines giải tỏa được phần nào áp lực dòng tiền, có thêm cơ hội để vượt qua khó khăn, đồng thời tạo đà phát triển trong tương lai.
Tàu bay dư thừa, tái cơ cấu đội bay
Theo ông Hà, đội tàu bay của Vietnam Airlines dư cả máy bay thân rộng lẫn máy bay thân hẹp. Dự kiến năm 2022 vẫn còn dư khoảng 8 tàu bay thân rộng và 20 tàu bay thân hẹp. Vì vậy, trong đợt tái cơ cấu toàn diện này, hãng sẽ đàm phán việc hoãn các khoản thanh toán, giảm tiền thuê tàu bay, và đẩy lùi lịch nhận các tàu bay mới, đồng thời thanh lý các tàu bay cũ.
Tổng công ty cũng triển khai tái cơ cấu tổ chức theo hướng tinh gọn, đổi mới quản trị doanh nghiệp thông qua đổi mới năng lực quản trị, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đối số nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động,
Các giải pháp trên đã và đang được Vietnam Airlines thực hiện một cách tích cực, vì thế một số kết quả tích cực được ghi nhận cho đến nay. Năm 2020 Vietnam Airlines cắt giảm được 1.775 tỷ đồng cho chi phí nhân công trong tổng 5.129 tỷ đồng. Dự kiến hãng sẽ cắt giảm, tiết kiệm khoảng 6.000 tỷ đồng trong năm 2021.
Bên cạnh cắt giảm chi phí, Vietnam Airlines gia tăng doanh thu thông qua thực hiện các chuyến bay hồi hương, tăng cường vận chuyển hàng hóa. Đồng thời thực hiện tái cơ cấu và cắt giảm chi phí để cải thiện các cân đối tài chính, nhanh chóng phục hồi và bứt phá giai đoạn hậu Covid-19.
Kế hoạch bay quốc tế sau ngày 1-1-2022
Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà cho biết hãng đã sẵn sàng mở lại đường bay quốc tế cho các thị trường Đông Bắc Á, Mỹ, đồng thời tiếp tục xem xét mở rộng đường bay quốc tế đi châu Âu, Úc.
Hiện nay Vietnam Airlines vẫn duy trì đường bay thường lệ có lịch trình ổn định như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc. Ngoài ra, hãng kết hợp vận chuyển hàng hóa với các chuyến bay không thường lệ đi đến châu Âu.
Ông Trần Hồng Hà cho biết: “Chính phủ quyết định thời điểm mở lại bay quốc tế là tín hiệu vui và sự trở lại mở bay quốc tế đã được Vietnam Airlines chuẩn bị và sẵn sàng cho các thị trường Đông Bắc Á, Mỹ. Người Việt ở nước ngoài nhiều, nhu cầu về nước cao, nhất là sát dịp Tết Nguyên đán”.
Dù vậy, thị trường nội địa vẫn quan trọng với các hãng hàng không. Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tâm lý của khách, khiến nhu cầu đi lại nội địa giảm mạnh. Hệ số sử dụng ghế của các hãng bay Hà Nội-TP HCM chỉ đạt khoảng 62-65% (16 chuyến/ngày), các đường bay quốc tế chỉ đạt khoảng 1,5-1,9% so với năm 2019
Dự báo năm 2022, vận tải nội địa sẽ quay về 70-75%, vận tải quốc tế 20-25% so với trước dịch Covid-19. IATA dự báo thị trường hàng không vẫn còn yếu do dịch bệnh tác động thu nhập của hành khách, vì thế cần có thêm thời gian để thị trường quay trở lại và phục hồi.
Bài: Hoài Linh – Tổng hợp