NFT (Non-fungible token) là một loại tài sản kỹ thuật số sử dụng công nghệ blockchain để chứng nhận tính xác thực và chủ sở hữu của một token. NFT hiện nay đang được ứng dụng vào các trò chơi điện tử, giao dịch tác phẩm nghệ thuật.
Công nghệ NFT trở thành hiện tượng
Vào đầu năm nay, một file ảnh JPG có tên Everydays – The First 5000 days của nhà thiết kế đồ họa có nghệ danh là Beeple được bán đấu giá thành công với mức giá cao kỷ lục 60,25 triệu USD (tính cả phí cho người mua là 69,3 triệu USD). Nguyên nhân nó có giá ngất ngưởng như vậy chính là vì nó có thêm công nghệ NFT. File JPG này bao gồm các hình ảnh được nghệ sĩ tạo ra mỗi ngày, kể từ năm 2007 tới nay
Tác phẩm Everydays – The First 5000 days và tác giả Beeple
Người xem có thể tải chúng xuống thiết bị của mình. Tuy nhiên, công nghệ NFT gắn với file ảnh này đảm bảo rằng chỉ người có tên được viết vào trong sổ cái mới là chủ sở hữu hiện tại của tác phẩm. Sự kiện này đã mở đầu cho một chuỗi ngày bùng nổ của thị trường nghệ thuật có gắn NFT.
Tháng 8 năm nay, thị trường nghệ thuật có NFT thế giới tăng vọt với doanh số ước đạt 1,8 tỷ USD. Doanh số bán các tác phẩm nghệ thuật có NFT trong 3 quý đầu năm nay đã đạt 3,5 tỷ USD. Các nhà đấu giá truyền thống lớn gồm Christie’s, Sotheby’s và Phillips đã không thể bỏ qua công nghệ này. Họ cũng bắt đầu gắn NFT vào các tác phẩm đấu giá. Điều này giúp họ thu được lợi ích to lớn. 4 trong số 10 thương vụ mua lại các tác phẩm nghệ thuật có NFT đình đám nhất đã được thực hiện thông qua các nhà đấu giá truyền thống này. Việc các tên tuổi đấu giá truyền thống, với sự tín nhiệm cao của thế giới tham gia vào NFT đã làm tăng niềm tin với công nghệ này.
Lĩnh vực thời trang cũng không bỏ lỡ NFT. Dolce & Gabbana giữa năm nay đã cho ra mắt “Collezione Genesi” – bộ sưu tập NFT gồm 9 sản phẩm hợp tác với nền tảng UNXD. Điều khác biệt về “Collezione Genesi” là 5 trong số 9 sản phẩm trong bộ sưu tập thực sự là thiết kế vật lý và mã hóa, trong khi 4 sản phẩm còn lại là kỹ thuật số độc quyền. Ngay sau khi hãng thời trang trình làng bộ sưu tập trong buổi trình diễn Alta Moda tại Venice, hàng chục nghìn nhà đấu giá đã đăng ký để chờ đợi cuộc đấu giá bắt đầu. Đến đầu tháng 10, thương hiệu Dolce & Gabbana đã kiếm được tổng cộng 1.885,719 ETH, tương đương với khoảng 5,7 triệu USD.
Bộ sưu tập Collezione Genesi của Dolce & Gabbana
NFT còn đóng vai trò lớn trong thị trường trò chơi điện tử. Ra đời khoảng năm 2012, đến khi được 5 tuổi, thì NFT mới được biết đến rộng rãi trong giới tiền kỹ thuật số, nhờ game nuôi mèo ảo CryptoKitties chạy trên mạng Ethereum, cho phép người chơi nuôi, giao dịch mèo ảo bằng đồng Ether. Đến nay, Axie Infinity, The Sandbox hay Dencentraland là những tựa game NFT thu hút lượng lớn người chơi. Các dự án này cũng có vốn hóa cao trong thị trường tiền kỹ thuật số. Trong đó Axie Infinity, là tựa game blockchain nổi tiếng do người Việt phát triển, cho phép người dùng thu thập, lai tạo, nuôi dưỡng thú cưng, được gọi là Axie và đem chúng đi chiến đấu. Đặc biệt, những chú thú nuôi này được mã hóa dưới dạng NFT (token không thể thay thế). Theo dữ liệu từ CoinMarketCap, loại coin của Axie Inifinity (AXS) hiện có mức vốn hóa vào khoảng 8,4 tỷ USD và đang đứng ở vị trí 21 trên bảng xếp hạng các dự án tiền số có vốn hóa lớn nhất thị trường.
Game NFT Axie Infinity do người Việt phát triển
NFT cũng là công nghệ mà mạng xã hội Reddit quan tâm. Theo trang tin Coindesk, mạng xã hội này dự định xây dựng một nền tảng NFT để người dùng giao dịch những bộ sưu tập mã hoá. Hiện Reddit đã bắt đầu tuyển dụng nhân sự cho nền tảng này. Hồi đầu tháng 10 vừa qua, sàn giao dịch tiền mã hoá Coinbase và FTX.US đều tuyên bố đang xây dựng các chợ mua bán NFT.
Giải mã công nghệ NFT
Theo CoinDesk, một số đặc tính nổi bật của NFT bao gồm:
– Không thể phân chia: Những loại tiền mã hóa như Bitcoin hay Ether đều có thể bị chia nhỏ và giao dịch dưới dạng phân số, trong khi đó NFT là một tài sản nguyên vẹn.
– Không thể phá hủy hay làm nhái: Tất cả dữ liệu NFT được lưu trữ trên nền tảng blockchain thông qua hợp đồng thông minh (smart contract).
– Có thể xác minh: Các tác phẩm nghệ thuật số được mua bán dưới dạng NFT sẽ luôn là bản gốc, không có bản sao thứ hai.
NFT đã tạo sức mạnh cho nền kinh tế của những người sáng tạo. Họ không chuyển quyền sở hữu nội dung của mình cho nền tảng mà sử dụng để công khai nội dung đó. Khi người sáng tạo hay sở hữu bán nội dung của mình, tiền sẽ chuyển trực tiếp đến họ. Thậm chí, nếu chủ sở hữu mới sau đó bán NFT, người tạo ra ban đầu có thể tự động nhận tiền bản quyền. Đây làm lợi ích rất khác biệt mà công nghệ NFT đem lại, bởi hiện nay, với cách đảm bảo sở hữu trí tuệ truyền thống thì tác giả sẽ không được tiền bản quyền khi tác phẩm của mình được bán qua lại. NFT không chỉ gia tăng thu nhập cho những sản phẩm mà vốn dĩ trước đây không được trân trọng và chú ý tới, mà còn thúc đẩy, nâng cao ý thức của cộng đồng về vấn đề bản quyền.
Những rủi ro của NFT
Mặc dù được đánh giá cao nhờ các đặc tính trên, nhưng NFT vẫn khiến một số chuyên gia lo ngại về rủi ro khi nó trở thành 1 kênh để người ta đầu tư, như tiền kỹ thuật số. Ví dụ như, nếu một công ty khởi nghiệp phát hành NFT bỗng ngừng kinh doanh, ngừng lưu trữ các tác phẩm số hóa, người mua chỉ còn giữ lại những token dẫn tới các tệp không tồn tại. Ngoài ra, vì ai cũng có thể tạo NFT nên dễ xảy ra tình trạng người bán biến một tệp không thuộc quyền sở hữu của họ (có thể là hình ảnh, video…) thành NFT và chuyển nó cho người mua mà không bị nghi ngờ.