Thị trường chứng khoán bất động sản ghi nhận nhiều doanh nghiệp sau khi niêm yết có lợi nhuận nhưng dòng tiền kinh doanh lại âm với mức kỷ lục.
Nguyên do xuất phát từ việc đối tác chậm thanh toán dẫn tới khoản phải thu tăng lên. Hàng tồn kho lớn cũng là yếu tố khiến việc xoay vốn của một số doanh nghiệp bất động sản gặp khó, thậm chí dẫn tới dòng tiền kinh doanh âm, mặc dù lợi nhuận vẫn tăng đột biến.
Trong số các doanh nghiệp có dòng tiền âm nhiều năm liền, Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng (DIC Corp) là cái tên được nhắc đến nhiều nhất, khi tiếp tục nối dài chuỗi 3 năm âm dòng tiền kinh doanh liên tiếp.
Một dự án của DIC Group (Credit: Báo Đầu tư)
Nếu như năm 2020, khoản mục này của DIC Corp chỉ ghi nhận âm hơn 303 tỷ đồng, thì năm 2021 đã âm 798 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là tiền chi trả cho người cung cấp hàng hoá, dịch vụ chiếm gần hết tiền thu từ bán hàng. Ngoài ra, đơn vị gánh hàng loạt khoản chi trả khác như lãi vay, nộp thuế…
Dù âm dòng tiền kinh doanh, nhưng lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp lại tăng 49% so với năm trước, lên 952 tỷ đồng nhờ sự đóng góp lớn từ kết quả quý IV/2021. DIC Corp cho biết, doanh thu quý IV chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh bất động sản như chuyển nhượng căn hộ dự án Gateway Vũng Tàu, căn hộ dự án CSJ, quyền sử dụng đất dự án Nam Vĩnh Yên và nhà xây thô dự án Hiệp Phước.
Một doanh nghiệp khác có dòng tiền kinh doanh âm nhưng lợi nhuận cao là Công ty cổ phần Bất động sản Thế kỷ (Cen Land). Năm 2021, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu gấp 2,6 lần, đạt 5.614 tỷ đồng, kéo theo lợi nhuận sau thuế tăng 50% lên hơn 450 tỷ đồng. Tuy nhiên, dòng tiền kinh doanh ở mức âm 355 tỷ đồng. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp, doanh nghiệp ghi nhận âm khoản mục này. Lý do chính đến từ tồn kho tăng hơn 470 tỷ đồng, bao gồm các căn hộ, đất nền Công ty mua từ các chủ đầu tư đến bán lại. Ngoài ra, tiền lãi vay đã trả cũng tăng mạnh từ 7,7 tỷ đồng, lên hơn 111 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia, trường hợp tiền thu vào nhỏ hơn tiền chi ra cho thấy doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình tiêu thụ sản phẩm hoặc khó thu hồi tiền. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp chỉ ghi nhận lãi trên sổ sách chứ chưa thu được tiền về.
Khi đó, doanh nghiệp sẽ phải bù đắp bằng dòng tiền đầu tư hoặc dòng tiền hoạt động tài chính, như vay nợ, huy động thêm vốn từ cổ đông, thanh lý tài sản…
Do vậy, việc quản trị dòng tiền là vấn đề luôn được các chuyên gia lưu ý đối với các doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh để tránh rơi vào tình trạng âm dòng tiền.
Nếu tình trạng này kéo dài sẽ là điều báo động, bởi việc dòng tiền thiếu hụt sẽ khiến doanh nghiệp chìm vào gánh nặng nợ nần, kết quả kinh doanh đi xuống. Thậm chí, nếu kéo dài, doanh nghiệp có thể sẽ mất khả năng thanh toán.
TS Nguyễn Duy Phương, Giám đốc đầu tư khối ngoại quỹ DG Investment nhận xét, đây cũng là tình trạng tại nhiều doanh nghiệp đã bị huỷ niêm yết trên thị trường chứng khoán trong những năm qua.
Thu Thảo – tổng hợp