Navigator Business & Entrepreneurs
FeaturedHighlightInvestingVirtual & High Tech

M&A trong lĩnh vực công nghệ hứa hẹn tiềm năng đầu tư

Năm 2022, hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực công nghệ sẽ tiếp tục bùng nổ, thu hút dòng vốn đầu tư lớn từ nước ngoài vào các lĩnh vực hấp dẫn. 

 

Bối cảnh dịch bệnh thúc đẩy hoạt động M&A trong ngành công nghệ thông tin bùng nổ

Theo báo cáo của KPMG, tính riêng trong 10 tháng đầu năm 2021, số lượng các thương vụ M&A đã tăng gấp đôi và tổng giá trị giao dịch của các thương vụ này đã tăng gấp 3 lần so với cả năm 2020.

Credit: Báo Đầu tư

“Sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đối với lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam là rất lớn. Gần đây, chúng tôi nhận được nhiều yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản quan tâm đến Internet economy, fintech, edutech, media tại Việt Nam”, TS. Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc Công ty tư vấn KPMG Việt Nam cho biết.

Ông Ái cũng cho rằng, Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm khởi nghiệp kế tiếp ở khu vực Đông Nam Á. Đó là nhờ tình hình kinh tế vĩ mô thuận lợi, tầng lớp trung lưu có thu nhập ngày càng tăng, nguồn nhân lực trong nước ở khối ngành công nghệ dồi dào, tư duy kinh doanh và khởi nghiệp không ngừng phát triển, cũng như chính sách hỗ trợ khởi nghiệp từ Chính phủ.

Hàng loạt giao dịch bom tấn gây sự chú ý của thị trường đã được thực hiện, như Momo (vòng gọi vốn 100 triệu USD do Warburg Pincus dẫn dắt đầu năm 2021 và 200 triệu USD vòng gọi vốn được dẫn dắt bởi Mizuho vào tháng 12/2021), Tiki (vòng gọi vốn 258 triệu USD do Bảo hiểm AIA dẫn dắt), Sky Mavis (vòng gọi vốn 152 triệu USD do Andreessen Horowitz dẫn dắt), Equest (gọi thành công 100 triệu USD)… Đáng chú ý là, các startup như Loship, Citics, Sky Mavis… đã công bố gọi vốn thành công đến 2 lần trong năm qua.

MoMo gọi vốn thành công từ các nhà đầu tư toàn cầu trị giá 200 triệu USD. 

 

Năm 2022, KPMG dự báo mức đầu tư sẽ tăng 150% trong lĩnh vực công nghệ, chạm mức 2 tỷ USD.

Còn ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho hay, giai đoạn 2019 – 2021, đã xuất hiện hàng loạt thương vụ lớn, như VNPay nhận đầu tư 300 triệu USD từ SoftBank Vision Fund và Quỹ GIC; thương vụ Temasek đầu tư 100 triệu USD vào nền tảng thương mại điện tử Scommerce; Affirma Capital đầu tư 34 triệu USD vào Siêu Việt Group…

“Trong 2 năm gần đây, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số, đó động lực lớn thúc đẩy hoạt động M&A ngành công nghệ thông tin bùng nổ”, ông Tuyên nhận định.

 

Thương mại điện tử thu hút đầu tư trong năm 2022

Theo đánh giá của ông Tuyên, thời gian tới, công nghệ số là mảng đầu tư rất hứa hẹn cho các nhà đầu tư. Hoạt động M&A mang cơ hội và nguồn lực cho các doanh nghiệp công nghệ số. Trong đó, thương mại điện tử, đi kèm với sự phát triển của các ứng dụng trung gian thanh toán, sẽ là mảng thu hút dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ nhiều nhất. Fintech cũng là một điểm nhấn đầu tư trong giai đoạn chuyển đổi số sắp tới.

Ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông)

 

Ông Tuyên cũng cho rằng, thương mại điện tử sẽ là ngành thu hút M&A mạnh mẽ, nhưng cần lưu ý tình trạng “đội lốt”, mua giấy phép bằng việc thuê công ty Việt Nam đầu tư giấy phép, thôn tính các lĩnh vực ảnh hưởng chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Vì vậy, trong chính sách về đầu tư, rất cần lưu ý tới các vấn đề này.

Đại diện Vụ Công nghệ thông tin cũng chỉ ra hạn chế của hoạt động M&A lĩnh vực công nghệ, đó là các công ty công nghệ ở Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn thành hình, phần nhiều còn ở hình thức các công ty khởi nghiệp. Nhiều công ty có thể có ý tưởng sản phẩm công nghệ tốt, nhưng chưa thể phát triển thành các doanh nghiệp hoạt động quy mô bài bản, có nền tảng, bởi còn hạn chế về năng lực quản trị, điều hành doanh nghiệp, hoạch định chiến lược, cũng như năng lực tài chính. 

Mặt khác, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang còn nhiều hạn chế và sản phẩm công nghệ số phần lớn mới chỉ phục vụ thị trường trong nước, chưa nhiều sản phẩm có tính khu vực và toàn cầu, nên hoạt động M&A chưa thực sự bùng nổ để tạo nên kênh huy động vốn cho phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam.

“Chất lượng hàng hóa của các công ty công nghệ tại Việt Nam chưa thật sự “khớp” với kỳ vọng của bên mua, để đủ giúp làn sóng M&A trong lĩnh vực công nghệ thật sự bùng nổ”, ông Tuyên nhấn mạnh.

KPMG Hàn Quốc cũng cho biết, các nhà đầu tư Hàn Quốc đang dành sự quan tâm lớn cho thương mại điện tử, fintech và logistics. Sự quan tâm ngày càng tăng đối với lĩnh vực thương mại điện tử và công nghệ tài chính là nhờ sự phát triển của các doanh nghiệp “không tiếp xúc” (thuật ngữ được tạo ra trong đại dịch Covid-19, ám chỉ các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực không yêu cầu phải có sự tiếp xúc trực tiếp với khách hàng), nên triển vọng kinh tế trong dài hạn và số lượng người dùng Internet và điện thoại thông minh sẽ ngày càng tăng.

Bài: Thu Thảo – tổng hợp 

Related posts

Link trực tiếp bóng đá Xoilacl.cc miễn phí

Xem tructiep https://socolivenn.cc/