Sự trì trệ về sản xuất chip điện tử ở châu Á đã gây ra thách thức mới cho ngành ô tô, có thể làm bùng nổ cuộc khủng hoảng linh kiện điện tử kéo dài đến 2022.

Thâm hụt về nguồn cung chip trên toàn cầu đã ảnh hưởng đến lĩnh vực ô tô suốt năm qua, khiến các nhà máy cắt giảm việc sản xuất hàng triệu chiếc xe và lấy đi hàng tỷ đô la doanh thu của các công ty ô tô.
Giới phân tích trong ngành nói rằng năm 2022 sẽ là một năm đầy thách thức. Các giám đốc điều hành các hãng ô tô trong nhiều tháng qua đã bày tỏ sự lạc quan rằng cơn khủng hoảng này sẽ giảm dần vào cuối năm 2021. Song giờ đây các dấu hiệu đã cho thấy rằng tình trạng thiếu chip từ một cuộc khủng hoảng ngắn hạn… sẽ biến thành cuộc đại biến cho các chuỗi cung ứng ô tô và sẽ mất nhiều năm để tái cơ cấu.
Ngày nay chip bán dẫn là một thứ không thể thay thế trong hệ thống xe hơi, nó ảnh hưởng từ hệ thống đánh lửa đến hệ thống phanh. Khi tình trạng thiếu hụt chip diễn ra khắp thế giới, các nhà sản xuất ô tô General Motors đến Tesla đều cho rằng họ sẽ phải điều chỉnh lại hệ thống sản xuất, tìm ra lối đi mới cho toàn bộ chuỗi cung ứng của họ.
Sự gián đoạn về nguồn cung chip cho các nhà máy sản xuất ô tô chính là do những trở ngại mới trong các thử nghiệm và việc đóng gói chất bán dẫn ở châu Á. Bởi các nhà sản xuất chất bán dẫn đang dần loại bỏ việc chế tạo các chip công nghệ cũ, các chip có lợi nhuận thấp hiện được sử dụng phổ biến trên các phương tiện hiện nay, điều này dấy lên lo ngại về khả năng sử dụng của chúng.
Ngành sản xuất ô tô đang đối mặt với thách thức lớn khi phải giải quyết hai mũi nhọn: tìm ra loại chip phù hợp để duy trì sản xuất ô tô, đồng thời tạo ra kế hoạch chiến lược giúp đảm bảo nguồn cung ổn định chip trong tương lai kể cả tính tới việc sản xuất chất bán dẫn ngay tại Hoa Kỳ.
Jim Farley, giám đốc điều hành Ford Motor Co. nói: “Cuối cùng nếu chúng tôi không thể tạo ra những con chip đa dụng tính năng phù hợp cho ngành công nghiệp ô tô đời mới, thì rủi ro sẽ đến với tất cả công việc của chúng tôi”
CÙNG CHIA SẺ VÀI NGHĨ SUY
Việc thiếu chip – hoặc các vấn đề về chuỗi cung ứng – đã ảnh hưởng đến bạn như thế nào? Hãy cùng tham khảo vài cuộc đối thoại bên dưới:
Một số nhà sản xuất ô tô đã phải vẽ lại kế hoạch cho năm 2022.
Peter Anthony, giám đốc điều hành chuỗi cung ứng ở khu vực Chicago, nói rằng gần đây ông đã cắt giảm 20% tổng sản lượng dự đoán trong nửa đầu năm 2022. Tuy nhiên, ước tính đó chỉ là phỏng đoán dựa trên các thông tin thực tế về lượng đơn đặt hàng của khách hàng đã thay đổi ra sao trong tình hình thiếu hụt của chip.
Anthony, nhân viên của UGN Automotive chuyên về sản xuất thảm nội thất và cách nhiệt cho một số nhà máy ô tô tại Nhật Bản chia sẻ: “Không ai biết phải làm gì”, “Đây hoàn toàn là một vấn đề khó lường.”
Qua các báo cáo doanh thu của các công ty ô tô lớn vào quý III vừa rồi của Mỹ, chúng ta nhận ra thách thức từ việc thiếu hụt chip thực sự vẫn chưa nguội xuống. Các chuyên gia phân tích cho rằng lý do khiến doanh số bán hàng sụt giảm chính là do việc thiếu chất bán dẫn, khiến lượng sản xuất xe khiến các đại lý không còn đủ lượng hàng để bán ra.
Các chuyên gia phân tích, các giám đốc điều hành đứng đầu ngành sản xuất ô tô cho biết những khó khăn hiện nay đã bắt đầu từ đầu đại dịch, khi các nhà các công ty ô tô liên tục huỷ đơn đặt hàng chip vào đầu năm 2020 vì lo ngại khách hàng giảm nhu cầu với xe ô tô. Trong khi đó vào mùa hè 2020, khi doanh số bán ô tô tăng trở lại, thì các công ty điện tử tiêu dùng đã sớm giành lấy hợp đồng đặt hàng tối đa sản lượng chip cho họ, và gián tiếp khiến lượng chip có thể cung ứng cho các công ty ô tô và các công ty sản xuất phụ tùng trở nên khan hiếm.
Nhiều trở ngại khách quan đang ảnh hưởng tới khả năng sản xuất chip dành cho ngành sản xuất ô tô, trong khi chip ứng dụng ở rất nhiều bộ phận như: phanh chống bó cứng đến các màn hình đa phương tiện. Các ví dụ ảnh hưởng tới sản xuất chip có thể kể ra như các cuộc mất điện, hoả hoạn tại một số nhà máy sản xuất chất bán dẫn lớn và các thảm họa khác đã làm gián đoạn sản lượng chip đến từ Texas, Đức, Nhật bản.

Giờ đây, ngành công nghiệp sản xuất chip đang đối mặt với những nút thắt nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng. Bởi chất bán dẫn được sản xuất từ các nhà sản xuất lớn như Công ty Sản xuất chất bán dẫn Đài loan, sau đó phải được gửi đến các công ty lắp ráp và thử nghiệm tại Malaysia và các nước Đông Nam Á. Và tất cả công ty này đang chịu ảnh hưởng từ sự bùng phát Covid-19 diện rộng.
Phil Amsrud, nhà phân tích cấp cao tại công ty nghiên cứu IHS Markit chuyên về ô tô, cho biết một phần chuỗi cung ứng chip cho ngành ô tô cũng như các ngành khác dự kiến sẽ tiếp tục bị tồn đọng kéo dài, điều này sẽ xảy ra kể cả khi dịch bệnh giảm bớt. “Các công ty hậu cần này có lợi nhuận biên ít hơn nhiều so với các nhà sản xuất chất bán dẫn. “Để họ đầu tư lớn vào việc sản xuất, họ cần phải hiểu rõ về cả nhu cầu ngắn hạn lẫn dài hạn của thị trường”. Ngay cả đối với các công ty đang tìm cách mở rộng sản xuất, thời gian để chế tạo các thiết bị cần thiết để tăng sản lượng có thể phải mất tới 9 tháng.
Sự kìm hãm này là lý do chính gần đây khiến HIS cắt giảm sản lượng xe toàn cầu vào năm 2022 trên các dự báo của họ, tức giảm khoản 8,5 triệu xe trong tổng kỳ vọng trước đó là 82,6 triệu chiếc. Công ty cho rằng thiệt hại sản xuất năm nay chính là do sự gián đoạn của chuỗi cung ứng, chủ yếu là bởi thiếu hụt 10,6 triệu chip.
Công ty tư vấn AlixParteners LLP ước tính tình trạng thiếu chip sẽ khiến ngành ô tô thâm hụt 210 tỷ USD doanh thu trong năm nay, tức gần gấp đôi so với dự báo từ hồi tháng 5.
Một số yếu tố tiềm tàng khác đang đe doạ lĩnh vực ô tô là sự phụ thuộc của họ vào các thế hệ chip đời cũ, được gọi là vi điều khiển. Chúng đã được sử dụng suốt nhiều thập kỷ để điều khiển động cơ điện tử, túi khí và nhiều chức năng khác của ô tô, vi điều khiển được sử dụng rộng rãi do chi phí thấp và độ an toàn cao.
Tiếc thay trong số gần 400 tỷ USD chi cho kế hoạch mở rộng sản xuất của các công ty bán dẫn, lại dường như có rất ít chỗ cho các kế hoạch sản xuất vi điều khiển, theo IHS.
Nhà phân tích Joseph Spak của RBC Capital cho biết hiện các công ty bán dẫn đã không còn động lực để đầu tư và nghiên cứu các công nghệ cũ. Ngoài ra chính các nhà sản xuất ô tô cũng hướng tới những thế hệ chip tiên tiến hơn khi họ ứng dụng vào các dòng xe ô tô điện và xe ô tô được kết nối (Connected Car), cho nên chính việc họ nâng cấp sử dụng các dòng chip mới có thể khiến họ phải cạnh tranh trực tiếp với các nhà sản xuất thiết bị điện tử và hàng tiêu dùng vốn đang tiêu thụ các dòng chip công nghệ cao. “Chúng tôi tin rằng có thể có những lý do về cơ cấu hoạt động khiến công suất bán ra của chip điện tử có thể hạn chế khả năng sản xuất ô tô trong những năm tới”
Mức độ nghiêm trọng của tình trạng thiếu hụt này đang ảnh hưởng phức tạp đến các nhà sản xuất ô tô. Ví dụ, Ford đã mất sản lượng ở Bắc mỹ là 566.000 xe – nhiều hơn bất kỳ công ty xe hơi toàn cầu nào khác, dẫn theo công ty nghiên cứu AutoForecast Solutions. Nhưng các giám đốc điều hành Ford nói tình hình đang cải thiện.
Ông Farley của Ford cho biết chiến thuật ngắn hạn của công ty bao gồm duy trì nguồn dự phòng chip, ký hợp đồng trực tiếp với các công ty chất bán dẫn, thay vì chịu phụ thuộc vào các nhà cung cấp trước đây. Ông cũng đề xuất thiết kế một số bộ phận xe cần ít chip hơn.
Trong khi đó, General Motors Co. gần như cả năm nay đã phải cố gắng tránh cắt giảm tối đa các dòng xe hơi có khả năng sinh lời nhất của họ, như xe bán tải cỡ và xe SUV. Tuy nhiên gần đây họ đã phải giảm bớt thời gian hoạt động của nhiều nhà máy xe tải, điều này báo hiệu cho việc họ giảm lợi nhuận trong quý III.
Giám đốc điều hành GM Mary Barra cho biết vào tháng 9 nhiều nhà máy sản xuất chất bán dẫn đang trực tiếp trao đổi với các đối tác sản xuất chất bán dẫn để bảo vệ nguồn cung chip.
Bà Barra trong cuộc phỏng vấn với Giám đốc điều hành Ed Bastian của Delta Air Lines Inc. đã nói: “Chúng tôi sẽ thực hiện một số thay đổi đáng kể trong chuỗi cung ứng của mình. “Đó là vấn đề chúng ta có thể giải quyết được, nhưng sẽ phải tốn kha khá thời gian.”
Bài: V.A.N – Theo the Wall Street Journal