Gã khổng lồ công nghệ Meta đang chuẩn bị thực hiện các kế hoạch cho phép người dùng tạo, giới thiệu và mua bán NFT trên mạng xã hội Facebook và Instagram.
Nếu Meta thực sự tung ra các công cụ liên quan đến NFT nói trên, đây sẽ là nền tảng lớn nhất hỗ trợ NFT, góp phần củng cố vị trí của tài sản được cho là gây tranh cãi trong thế giới kỹ thuật số.
Theo Financial Times, các kế hoạch của Meta hiện vẫn “đang ở giai đoạn đầu và có thể sẽ thay đổi”. Hai nền tảng mạng xã hội Facebook và Instagram sẽ “sẵn sàng” một tính năng cho phép người dùng hiển thị NFT dưới dạng ảnh hồ sơ, cũng như đang làm việc trên một phiên bản thử nghiệm cho phép người dùng tạo các NFT mới trong thời gian tới. Ngoài ra, có thông tin cho rằng công ty đang thảo luận về việc “ra mắt sàn giao dịch cho người dùng mua và bán NFT”.
Hiện nay, vẫn chưa có thông tin chính xác về những kế hoạch này, nhưng đây không phải là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo của Meta thể hiện sự quan tâm đến lĩnh vực NFT. Giám đốc Instagram Adam Mosseri cho biết vào tháng 12 năm ngoái rằng công ty đang “tích cực khám phá các NFT và khiến NFT dễ tiếp cận với nhiều đối tượng hơn”. Trong khi Giám đốc điều hành Meta Mark Zuckerberg vào tháng 10 đã nói về cách metaverse sẽ hỗ trợ “quyền sở hữu hàng hóa kỹ thuật số hoặc NFT”.
NFT (mã thông báo không thể thay thế), đã được hỗ trợ bởi các nền tảng khác trong những tháng gần đây. Mạng xã hội Twitter đang tìm cách giới thiệu các mặt hàng được hỗ trợ bởi blockchain, trong khi Reddit tung vừa mới ra bộ sưu tập hình đại diện NFT của riêng hãng cho người dùng.
Mặc dù NFT nhiều lần bị chỉ trích vì giá trị đầu cơ (giá tăng và giảm với tốc độ kinh hoàng) và thiếu bảo mật (thường xuyên bị đánh cắp mặc dù có một số tuyên bố cho rằng chúng đảm bảo quyền sở hữu), loại tài sản này sẽ trở nên phổ biến hơn nếu những gã khổng lồ công nghệ như Meta hỗ trợ.
Về cơ bản, NFT là một cách để xác nhận quyền sở hữu một mặt hàng kỹ thuật số như JPG hoặc GIF thông qua một địa chỉ duy nhất trên chuỗi khối. Mặc dù nhiều người cho rằng những tài sản này là hình thức sở hữu phi tập trung, tính hợp pháp của chúng vẫn dựa trên sự công nhận từ các nền tảng trực tuyến. Ví dụ, nếu Twitter hoặc Instagram cho phép bất kỳ ai sao chép và dán JPG của bạn, thì khó để nói ai mới là người thực sự sở hữu mặt hàng đó. Nhưng nếu các công ty bắt đầu thực thi quyền sở hữu như đã được ký kết bởi NFT, các mặt hàng đó có thể trở thành tài sản kỹ thuật số hợp pháp.
Đối với Meta, việc hỗ trợ NFT cũng có thể giúp công ty có ảnh hưởng lớn hơn trong lĩnh vực mà công ty đang nỗ lực theo đuổi – metaverse, đồng thời góp phần nâng cao giá trị và tầm quan trọng của NFT, tập trung quyền kiểm soát đối với loại tài sản này.
Bài: Hoài Linh – Theo The Verge