Theo thông tin từ Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (SIA), doanh số chất bán dẫn toàn cầu đã đạt nửa nghìn tỷ USD trong bối cảnh các công ty tăng cường sản xuất để đáp ứng nhu cầu khan hiếm trên toàn thế giới.
Vào năm 2021, doanh số ngành bán dẫn toàn cầu đạt kỷ lục 555,9 tỷ USD, tăng 26,2% so với cùng kỳ, theo thống kê của SIA.
John Neuffer, Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành SIA cho biết: “Trước tình trạng thiếu chip toàn cầu, các công ty đã tăng cường sản xuất nhằm đáp ứng chuỗi cung ứng, dẫn đến sự tăng trưởng về số lượng kỷ lục”.
Ông cũng nhấn mạnh, nhu cầu về chip sẽ tăng đáng kể trong những năm tới khi cuộc khủng hoảng chip toàn cầu ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp từ điện tử tiêu dùng đến sản xuất ô tô.
Điều này cũng khiến chính phủ các quốc gia cạnh tranh để đảm bảo nguồn cung cấp chip và đầu tư và đưa vào sản xuất trong nước nhằm giảm chi phí vận chuyển.
Cụ thể, năm 2021, tổng thống Mỹ Joe Biden đã dành 50 tỷ USD cho nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn, nằm trong gói kích cầu kinh tế trị giá 2.000 tỷ USD.
Chính quyền Joe Biden cũng đưa ra Đạo luật CHIPS cho Hoa Kỳ nhằm tối đa phê duyệt, cấp phép nghiên cứu và phát triển ngành này
Trong tháng 2/2022, Uỷ ban Châu Âu, cơ quan điều hành của EU đã công bố Đạo luật chip châu Âu, cho phép đầu tư thêm 15 tỷ euro (17,11 tỷ USD) vào các doanh nghiệp công, tư đến năm 2030.
Tại Trung Quốc, theo thống kê của SIA, doanh thu chất bán dẫn đạt 192,5 tỷ USD vào năm 2021, tăng 27,1 % so với cùng kỳ năm ngoái. Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị với Mỹ, Trung Quốc lựa chọn tập trung thúc đẩy công nghiệp chip nội địa, coi khả năng tự cung tự cấp là mục tiêu hàng đầu.
Thị trường Mỹ cũng ghi nhận mức tăng doanh số lớn nhất trong năm 2021 là 27,4%, tiếp theo là thị trường châu Âu với mức tăng 27,3%.
Thu Thảo – dẫn từ CNBC