Nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng chất bán dẫn trong thời gian tới, các ông lớn ngành này đang tăng cường đầu tư vào các trung tâm nghiên cứu, sản xuất của mình.
Cuộc chạy đua đầu tư của các ông lớn
Theo đó, TSMC – nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới đã cam kết đầu tư 100 tỷ USD trong vòng 3 năm để tăng cường sản xuất các tấm silicon tiên tiến, vật liệu được sử dụng để sản xuất nhiều loại chip.
TSMC cho biết, khoản vốn chi tiêu của họ sẽ tăng lên 47% trong năm 2022. Đồng thời, công ty cũng có kế hoạch đầu tư từ 40 đến 44 tỷ USD trong năm nay, tăng 14 tỷ so với năm 2021.
Intel đã công bố kế hoạch chi 20 tỷ USD cho hai nhà máy sản xuất chip mới ở Arizona. Được biết, Intel có mặt ở Arizona hơn 40 năm cùng với On Semiconductor, NXP và Microchip. Đây là nơi có hệ sinh thái về chất bán dẫn lâu đời tại Mỹ.
Ông lớn Samsung cũng tiết lộ, họ đã chi 90% chi phí vốn hàng năm trong năm 2021, tương đương 48,2 nghìn tỷ won (40,1 tỷ USD) vào lĩnh vực kinh doanh chip.
Theo công ty nghiên cứu Gartner, vào năm 2021, các công ty bán dẫn trên thế giới đã chi 146 tỷ USD để đáp ứng năng lực sản xuất và nghiên cứu. Trong đó, tổng mức chi của TSMC, Samsung và Intel đã chiếm 60% trong tổng số 146 tỷ USD.
Peter Hanbury, nhà phân tích chất bán dẫn tại công ty nghiên cứu Bain cho biết: “Chúng tôi nhận thấy vốn đầu tư giai đoạn 5 năm từ 2021 – 2025 tăng trưởng gần gấp đôi so với giai đoạn 2016 – 2020”.
“Sự gia tăng này chủ yếu đến từ công nghệ tiên tiến để tạo ra tấm wafer và những thiết bị đắt tiền hơn. Đồng thời, nó cũng là sự thích ứng trước tình trạng thiếu chip khi các nhà sản xuất tăng công suất đối với các công nghệ tiên tiến”, Peter Hanbury cho biết.
Theo Glenn O’Donnell, giám đốc nghiên cứu của công ty phân tích Forrester, các công ty sản xuất chất bán dẫn lớn khác như Nvidia, AMD và Qualcomm không cần bỏ ra vốn đầu tư lớn bởi họ chịu trách nhiệm thiết kế và ký hợp đồng sản xuất với TSMC.
Tình trạng thiếu chip liên tục
Bất chấp những khoản đầu tư khổng lồ, nguồn cung chất bán dẫn vẫn bị ảnh hưởng do không sản xuất kịp thời.
O’Donnell cho biết: “Chúng tôi không thể sản xuất lượng lớn chip để đáp ứng nhu cầu của xã hội. Hiện nay, chip được sử dụng mọi nơi tư ấm đun nước đến máy giặt, tai nghe và cả hệ thống tên lửa máy bay chiến đấu. Một số sản phẩm như ô tô đã có đến cả chục con chip”.
Trước tiên đoán tình trạng thừa chip sẽ diễn ra bởi vốn đầu tư lớn từ các công ty nhưng O’Donnell phủ nhận. Ông cho rằng, nhu cầu về chip sẽ không giảm bởi công nghệ đang gắn bó trực tiếp với con người.
Ông Hanbury cũng cho rằng: “Chúng tôi đang theo dõi tình trạng dư thừa nguồn cung trong tương lai. Bởi nhiều cơ sở sản xuất sẽ được xây dựng sai khi các chính phủ đã hoàn thiện các kế hoạch khuyến khích của họ”.
Bài: Thu Thảo – dẫn từ CNBC