Ở Mỹ, hàng chục tàu container chất đầy hàng đang phải nằm chờ ngoài khơi các cảng Long Beach và Los Angeles. Tại Trung Quốc, các cảng lao vào bế tắc vì những đợt bùng phát dịch Covid-19. Sau Brexit, hàng hóa chất đống tại các cảng của Vương quốc Anh vì sự khan hiếm của xe tải chở hàng.
Ở khắp nơi trên thế giới, chuỗi cung ứng toàn cầu đều bị gián đoạn và trong tình trạng thiếu hụt mọi thứ, từ nhiên liệu đến thực phẩm… tất cả đang khiến giá cả leo thang. Mặc dù có thể dễ dàng đổ lỗi cho đại dịch Covid-19, nhưng nó chỉ đúng một phần. Nhìn chung tình trạng thiếu lao động trầm trọng, cơ sở hạ tầng cũ kỹ, container ở sai chỗ và nhu cầu tiêu dùng không được đáp ứng ở Mỹ đều đã phá vỡ sự đồng bộ trong dòng chảy thương mại toàn cầu. Thêm vào đó là việc các công ty đang cố gắng bổ sung hàng tồn kho – và tệ hơn nữa, người tiêu dùng cắt bỏ các nhu cầu thiết yếu hàng ngày. Tất cả dẫn đến một viễn cảnh không mấy tươi sáng về sức phục hồi của kinh tế toàn cầu.
Big Crunch của năm 2021 không bắt đầu trong một sớm một chiều và nó cũng sẽ không kết thúc nhanh chóng. Hầu hết các chuyên gia trong ngành logistic cho biết những vấn đề lớn nhất, bao gồm chi phí vận chuyển tăng cao, giao hàng chậm trễ và đôi khi thiếu hụt nguồn cung sẽ kéo dài đến hết năm 2022.
Đối với người tiêu dùng, điều này đồng nghĩa với việc họ phải đối mặt giá cả leo thang trong một thời gian dài. Đối với các ngân hàng trung ương đang cố gắng thiết lập lãi suất, điều này có nghĩa là khả năng chịu lạm phát sẽ bị kiểm tra.
Có đến hơn 40 tàu chở hàng phải chờ đợi ngoài cảng Los Angles – Long Beach.
Các con số
- 25.000.000: số container trên biển vào bất kỳ thời điểm nào
- 12,8: Số ngày trung bình các tàu vận chuyển container chờ neo để dỡ hàng ở Los Angeles (chỉ mất 8 ngày hồi tháng 4)
- $17,377: giá gửi hàng trong một container vận chuyển 40 feet từ Trung Quốc đến Bờ Tây Hoa Kỳ, tăng gấp 10 lần so với giá trước đại dịch
Cuộc khủng hoảng hiện tại chỉ là cuộc khủng hoảng mới nhất trong một loạt sự cố khiến toàn bộ hệ thống giao thông vận tải không thể tái cân bằng kể từ đầu năm 2020. Các giải pháp sẽ bao gồm các khoản đầu tư của công ty, chẳng hạn như trả lương cao hơn cho các nhân viên vận tải và đầu tư nhiều thiết bị hơn, cho đến áp lực của chính phủ đối với các cảng nhằm giải phóng ách tắc, ví dụ như hoạt động 24-7.
Những thiệt hại đối với chuỗi cung ứng nói riêng và nền kinh tế nói chung trong thời kỳ đỉnh điểm của Covid-19 cho thấy rằng còn nhiều việc phải làm để hiện đại hóa cơ sở hạ tầng của thương mại quốc tế, hiệu chỉnh lại các hệ thống để đáp ứng được áp lực kéo dài và đảm bảo áp dụng các biện pháp bảo vệ trước các đợt gián đoạn có thể xảy ra trong tương lai.
Bài: Nguyễn Nam – Theo Bloomberg