Đồng yên Nhật tiếp tục giảm giá mạnh trong tuần này, đạt mức thấp mới so với Euro, Bảng Anh và các đồng tiền khác. Đây là tuần giảm thứ tư liên tiếp của đồng yên so với USD, khi các nhà đầu tư tìm kiếm lợi suất hấp dẫn hơn tại các thị trường khác có lãi suất cao hơn. Cùng chung “số phận”, nền kinh tế New Zealand đang đối mặt với “cơn bão” suy thoái khi doanh số bán lẻ giảm quý thứ 8 liên tiếp. Áp lực từ lãi suất cao và chi phí sinh hoạt leo thang khiến người dân thắt chặt chi tiêu, dẫn đến sức tiêu dùng suy yếu.
Sụt giảm của đồng yên: Hệ lụy cho thị trường ngoại hối

Đồng yên đang là đồng tiền G10 hoạt động tệ nhất trong năm 2024, với mức giảm 6,4% so với USD. Ngược lại, USD đang là đồng tiền chiếm ưu thế trên thị trường. Tuy nhiên, sự sụt giảm của yên so với USD có phần hạn chế do rủi ro chính phủ Nhật Bản có thể can thiệp vào thị trường. Gần đây, các quan chức Nhật Bản đã nhắc nhở các nhà giao dịch rằng họ luôn sẵn sàng can thiệp để ổn định đồng Yên.
Lợi suất cao đang thu hút các nhà đầu tư, họ vay yên với lãi suất gần 0% và mua các tài sản sinh lãi bằng các đồng tiền khác. Chỉ số biến động ngoại hối Deutsche Bank giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm, thị trường giảm bớt kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất mạnh ở Hoa Kỳ, châu Âu và Anh, khiến lợi suất duy trì ở mức cao, khiến giao dịch này trở nên hấp dẫn hơn.
Khoảng cách lợi suất giữa trái phiếu chính phủ Nhật Bản và Hoa Kỳ ở thời hạn hai năm lên tới hơn 450 điểm cơ bản. Dữ liệu định vị cho thấy các vị thế bán khống yên đã tăng mạnh trong tuần trước.
Tại các thị trường khác, dòng tiền chảy vào các đồng tiền có lợi suất cao hơn đã hỗ trợ đồng Đô la Úc và đồng Đô la New Zealand tăng giá. Đồng Đô la New Zealand vượt qua mức 62 xu trong phiên giao dịch qua đêm và hiện đang được mua với giá 0,6197 USD.
Hàn Quốc dự kiến huy động 11,31 tỷ USD qua phát hành trái phiếu chính phủ

Theo Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc thông báo hôm thứ Năm (22/2), chính phủ nước này có kế hoạch bán 15 nghìn tỷ won (tương đương 11,31 tỷ USD) trái phiếu chính phủ vào tháng 3, .
Cụ thể, chính phủ Hàn Quốc sẽ phát hành 1,8 nghìn tỷ won trái phiếu chính phủ kỳ hạn 2 năm và 2,8 nghìn tỷ won trái phiếu chính phủ kỳ hạn 3 năm. Bên cạnh đó, 2,5 nghìn tỷ won trái phiếu kỳ hạn 5 năm và 2,9 nghìn tỷ won trái phiếu kỳ hạn 10 năm cũng sẽ được phát hành.
Chính phủ cũng dự kiến phát hành 800 tỷ won trái phiếu kỳ hạn 20 năm và 3,7 nghìn tỷ won trái phiếu kỳ hạn 30 năm, cùng với 500 tỷ won trái phiếu kỳ hạn 50 năm.
Bộ Kinh tế và Tài chính thông tin, trong tháng 2 vừa qua, tổng giá trị trái phiếu chính phủ phát hành là khoảng 17,15 nghìn tỷ won.
New Zealand: Doanh số bán lẻ lao dốc, suy thoái hiện rõ

Hôm nay (23/2), Cơ quan Thống kê New Zealand cho biết doanh số bán lẻ theo khối lượng đã giảm 1,9% trong quý IV/2023 so với quý III/2023. Doanh số bán lẻ cốt lõi (loại trừ doanh số bán xăng dầu và xe cộ) giảm 1,7%.
Sự sụt giảm chi tiêu của hộ gia đình diễn ra ngay cả khi dân số tăng do làn sóng nhập cư kỷ lục, góp phần vào dấu hiệu tăng trưởng kinh tế yếu vào cuối năm 2023. Điều này có thể đã khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái sau khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm trong quý III/2023.
Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ) hoan nghênh khi nhu cầu hạ nhiệt và cho biết cần phải làm nhiều hơn nữa để đưa lạm phát trở lại mục tiêu 1-3%.
Chi tiêu bán lẻ bắt đầu chậm lại vào đầu năm 2022 khi RBNZ bắt đầu chu kỳ thắt chặt chính sách để kiềm chế lạm phát tăng vọt. Lãi suất vay cao hơn tác động đến thị trường nhà đất, đẩy giá trị nhà đất giảm và gây thêm áp lực lên giá trị tài sản ròng của các hộ gia đình.
Cùng đó, các vấn đề về chuỗi cung ứng và giá hàng hóa toàn cầu tăng cao đã đẩy giá nhiên liệu và các mặt hàng thiết yếu lên cao, khiến người tiêu dùng phải cắt giảm chi tiêu không thiết yếu.
Giang Nguyễn (Theo Bloomberg, Reuters, Yonhap)