Quỹ đầu tư Breakthrough Energy Ventures của Bill Gates gần đây đã đầu tư 10 triệu USD vào một công ty khởi nghiệp chỉ có 7 thành viên, không có doanh thu và cũng không có khách hàng – Mangrove Lithium.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, đây là một khoản đầu tư thích hợp và có ý nghĩa quan trọng đối với thị trường xe điện tăng trưởng chóng mặt như hiện nay. Vì những người sáng lập xe điện đang nhắm tới mục tiêu cải thiện một phần quan trọng của chuỗi cung ứng lithium: Biến lithium thô thành nguyên liệu cho pin.
Lithium được sử dụng trong pin xe điện vì nó là kim loại nhẹ nhất và có tỷ lệ điện tích trên trọng lượng cao nhất. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, trong thập kỷ qua, số lượng xe điện đã tăng lên nhanh chóng, vượt qua con số 10 triệu chiếc trên toàn cầu. Khi nhu cầu về xe điện tiếp tục tăng, nhu cầu về lithium cũng sẽ tăng theo.
Theo Andrew Miller, giám đốc điều hành của Benchmark Mineral Intelligence, một công ty tình báo thị trường về pin lithium ion, cho rằng chuỗi cung ứng xe điện sẽ tăng nhu cầu sử dụng lithium lên 90% vào năm 2030. Nhu cầu dự kiến sẽ tăng từ khoảng 354.000 tấn liti cacbonat tương đương vào năm 2020 lên 2,57 triệu tấn vào năm 2030.
Miller nói, nhu cầu đó có thể khó đáp ứng không phải vì số lượng lithium có hạn, mà bởi vì nguồn lực để biến lithium thành dạng có thể sử dụng được trong ngành công nghiệp pin vẫn còn hạn chế.
Mangrove nhằm mục đích giúp tháo gỡ nút thắt đó
Có năm phân khúc của thị trường lithium: khai thác, xử lý hóa học, sản xuất linh kiện pin, lắp ráp pin, và sản xuất cho mục đích cuối cùng. Trong đó pin được sử dụng trong điện thoại thông minh, laptop, xe điện và những sản phẩm tương tự.
Công nghệ của Mangrove tập trung vào giai đoạn hai, xử lý hóa học. Giám đốc điều hành Mangrove, Saad Dara nói với CNBC. “Chúng tôi lấy lithium thô và tinh chỉnh nó thành một sản phẩm cấp pin”.
Vào năm 2018, một nhà sản xuất lithium từ Nam Mỹ đã quan tâm đến việc liệu Mangrove có thể xử lý lithium chloride, một dạng lithium cụ thể được rút ra khỏi mặt đất trong quá trình khai thác, thành lithium hydroxide hay không. Cuộc điều tra đó đã thúc đẩy công ty khởi nghiệp theo đuổi quy trình điện hóa tinh chế lithium theo cách mà công ty tuyên bố là tiết kiệm năng lượng hơn các quy trình thông thường.
Dara cho biết, công nghệ Mangrove cải thiện sản lượng lithium bằng cách cải thiện hiệu suất xử lý điện hóa từ khoảng 50% lên 90%.
Carmichael Roberts, đồng lãnh đạo ủy ban đầu tư tại Breakthrough Energy Ventures, nói với CNBC: “Khoản đầu tư của chúng tôi vào Mangrove bắt nguồn từ sự phân tích về sự phát triển của xe điện, sự gia tăng lớn về nhu cầu lithium dẫn đến những hạn chế về nguồn cung và chi phí”.
“Khi Mangrove có thể triển khai thành công giải pháp của mình, sẽ giúp giảm 40% chi phí cho pin lithium hydroxide và cải thiện tỷ suất hoàn vốn nội bộ cho các dự án sản xuất”.
Mangrove không phải là khoản đầu tư duy nhất của Breakthrough Energy Ventures. Vào tháng 10, công ty đã công bố khoản đầu tư vào Lilac Solutions, một công ty công nghệ khai thác lithium nhằm tăng sản lượng lithium từ nguồn nước muối.
Mangrove có 7 nhân viên và một nhà máy thí điểm đang hoạt động ở Vancouver, công ty sẽ sử dụng tiền từ Breakthrough để xây dựng một nhà máy thương mại có quy mô công nghiệp.
Tăng cường tái chế lithium là một giải pháp tiềm năng
Đề xuất của Mangrove là một lời nhắc nhở sâu sắc rằng ngay cả một mục tiêu đáng khen ngợi, như loại bỏ các phương tiện ngốn xăng để đáp ứng mục tiêu giảm phát thải toàn cầu, cũng có thể gây ra những hậu quả không lường trước được. Đó là bởi vì khai thác lithium sử dụng rất nhiều năng lượng và nước, đồng thời có thể tàn phá đất đai. Vì thế, bên cạnh năng cao hiệu quả khai thác, nhiều doanh nghiệp cũng đang tập trung tăng cường phát triển các công nghệ tái chế pin, giúp thảm thiểu tác động của nó tới môi trường.
Công nghệ của Mangrove rất mới mẻ và độc đáo, nhưng song song đó là những thách thức, đặc biệt là việc triển khai trên quy mô lớn. Tuy nhiên, nếu Mangrove vượt qua được thách thức này, công ty khởi nghiệp sẽ tạo ra thay đổi bước ngoặt cho toàn bộ cuộc chơi.
Bài: Hoài Linh – Theo CNBC