Sự kiện bàn tròn về Quỹ đầu tư & Bảo hiểm liên kết đầu tư vừa diễn ra với sự tham gia của hai chuyên gia về tài chính & đầu tư cùng người chủ trì buổi toạ đàm gồm: Ms Mina Chung (Đại sứ Việt Nam của The New Savvy), Mr Trí Hồ (Chuyên gia tài chính & đầu tư), Ms Trinh Hồ (Founder Lady Networking & Finding Your Inner Voice). Tọa đàm đã gợi mở được nhiều hướng giải quyết các câu câu hỏi mà phần lớn mọi người hay tìm kiếm liên quan đến quỹ đầu tư:
– Đầu tư vào quỹ hay bảo hiểm liên kết đầu tư có an toàn? Có cam kết lợi nhuận không?
– Nên đầu tư trong bao lâu để có lợi nhuận cao nhất?
– Có những loại quỹ đầu tư nào đang có trên thị trường Việt Nam?…
Navigator xin phép thường thuật lại nội dung bàn tròn về Quỹ đầu tư & Bảo hiểm liên kết đầu tư cho quý bạn đọc:
1. GIẢI PHÁP ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH
Hành trình tài chính là hành trình cả đời người, chứ không phải một sớm một chiều. (Chị Mina Chung)
Chị Mina Chung – Đại sứ Việt Nam của The New Savvy
Bảo hiểm và Đầu tư là 2 hướng khác nhau. Nếu bạn đã có bảo hiểm sức khỏe rồi thì bạn có thể tự đầu tư bên ngoài. Nếu bạn chưa có bảo hiểm sức khỏe, chưa có kinh nghiệm và không có thời gian để đầu tư thì Bảo hiểm Nhân thọ là con đường mà bạn hướng tới.
Giải pháp của bảo hiểm Nhân thọ có liên kết là sự kết hợp của bảo vệ sức khỏe và đầu tư. Các công ty bảo hiểm đưa ra các sản phẩm để tạo ra sự tiện lợi cho nhà đầu tư. Nhưng các Công ty bảo hiểm không phải là đơn vị đầu tư, họ ủy thác những phần đầu tư đó cho những chuyên gia là công ty quản lý quỹ, họ chỉ lo cho bạn về sức khỏe và y tế, chính vì vậy các công ty bảo hiểm đóng vai trò trung gian. Bạn cần phân biệt rõ bảo hiểm sức khỏe là những lợi ích được hưởng khi tai nạn, bệnh hiểm nghèo, qua đời… Còn khi bạn chọn đầu tư thì sẽ có những hạng mục khác nhau như an toàn, rủi ro hay tăng trưởng. Đó là phần bảo hiểm toàn diện vừa lo cho sức khỏe, vừa tiết kiệm đầu tư.
Hiện nay, quỹ đầu tư là một sự lựa chọn phổ biến, đặc biệt là dành cho những người mới “newbie” và họ không biết bắt đầu từ đâu.
Quỹ đầu tư là bạn tự động mua cổ phiếu, trái phiếu, chứng khoán, tự mở tài khoản giao dịch… nhưng giờ bạn muốn ủy thác cho chuyên gia, đó là những công ty quản lý quỹ. Vì thế, họ sẽ có những chi phí quản lý, để quản lý những danh mục đầu tư vì vậy có rất nhiều danh mục đầu tư cho bạn lựa chọn.
Quỹ đại chúng gồm có: quỹ mở, quỹ tương hỗ, và quỹ ETF.
2. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN (Anh Trí Hồ)
Anh Trí Hồ: Tư Vấn Tài Chính & Đầu Tư
Thị trường chứng khoán ở Việt Nam đã được khai trương và hoạt động 21 năm. So với thị trường chứng khoán trên Thế giới, Việt Nam tuy đã 21 năm tuổi, nhưng không chỉ non trẻ về số năm ra đời mà vẫn còn cần được phát triển hơn về quy mô thị trường, về sản phẩm, kỹ thuật, công nghệ hạ tầng và khung pháp lý. Đó là lý do tại sao thị trường chứng khoán Việt Nam được phân hạng là “thị trường cận biên” (Frontier Market) để chuẩn bị được xếp hạng lên thị trường mới nổi (emerging market). Hiện tại thị trường chứng khoán Việt Nam có 3 sàn giao dịch, mỗi sàn giao dịch có vài trăm công ty được niêm yết và đăng ký giao dịch, tổng cả 3 sàn thì có hơn 1600 công ty được niêm yết và đăng ký giao dịch trên sàn. Thị trường chứng khoán ngày càng phát triển về mặt quy mô, tăng trưởng về mặt giá trị, gia tăng về số lượng (công ty niêm yết, và các nhà đầu tư).
Quy mô tổng vốn hóa thị trường Việt Nam từ năm 2011 đến nay có xu hướng gia tăng, từ mức vài tỉ đô la Mỹ, cho đến hiện tại là khoảng 302 tỉ đô la Mỹ, chiếm 130% GDP. Nhưng vẫn còn khoảng cách khá lớn để đuổi kịp các nước láng giềng trong khu vực ASEAN, chứng tỏ nước ta đang có tiềm năng để phát triển lớn hơn nữa. Hiện nay các doanh nghiệp tư nhân trong nước vẫn tiếp tục có xu hướng cổ phần hóa doanh nghiệp của mình, để huy động nguồn vốn từ nền kinh tế và họ cũng sẽ niêm yết doanh nghiệp của mình lên sàn giao dịch chứng khoán. Tức là chúng ta có thêm nhiều hàng hóa, để thu hút nhiều nhà đầu tư có thể mua hơn. Bên cạnh đó, cổ phần nắm giữ của Chính phủ trong các Tổng công ty Nhà nước cũng sẽ dần được thoái vốn nhiều hơn, tạo thêm hàng hóa ra công chúng nhiều hơn, giúp quy mô của thị trường càng được lớn dần.
Giá trị của VN-INDEX là chỉ số đại diện cho sàn giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh nhưng đồng thời cũng đại diện cho bức tranh của thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung. Cuối tuần vừa qua, chỉ số VN- INDEX đã chạm mốc kỷ lục mới, cao nhất trong 21 năm qua, đạt 1456 điểm. Một thập kỷ qua với nhiều biến động trái nhiều tại nhiều thời điểm khác nhau, nhưng khi nhìn tổng thể cả quá trình 10 năm, tăng trưởng bình quân hằng năm của VN-INDEX đạt khoảng 15,5 % mỗi năm. Chứng tỏ nếu nhà đầu tư chọn đầu tư với chiến lược dài hạn sẽ rất có lợi trong lâu dài.
Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến chúng ta, đặc biệt là ở thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố lớn. Nhưng ngành chứng khoán và tài chính vẫn được Chính phủ xếp loại là ngành thiết yếu trong giai đoạn này Covid 19 vừa qua. Các nhà đầu tư có thể giao dịch online để đầu tư thông qua kênh thị trường chứng khoán. Giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên trên sàn thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2011 đến năm 2020 trung bình chỉ khoảng vài trăm tỷ đồng, đến năm 2020 đã đạt mức khoảng 6.200 tỷ đồng. Nhưng đặc biệt từ tháng 01 năm 2021 đến tháng 09 năm 2021 giá trị giao dịch bình quân đã đạt hơn 23.000 tỷ đồng (khoảng 1 tỷ USD) mỗi phiên, có lúc đã từng đạt đến 35.000 tỷ đồng. Chứng tỏ từ đầu năm đến nay giá trị giao dịch gia tăng đến mức đột biến so với 9 năm trước.
Số lượng tài khoản giao dịch trên thị trường chứng khoán cho tới cuối tháng 9/2021 là gần 3 triệu 7 tài khoản, chiếm khoảng 3,7% tổng dân số. Hơn 1 triệu tài khoản mở mới từ đầu năm cho đến thời điểm hiện tại. Số lượng tài khoản của các nhà đầu tư nước ngoài chiếm rất ít, chiếm khoảng vài chục nghìn tài khoản.
Hiện nay, giá trị giao dịch của nhà đầu tư cá nhân chiếm khoảng 85%. Trong những năm đầu của thị trường chứng khoán, nhà đầu tư cá nhân chưa có kinh nghiệm, họ thấy thị trường chứng khoán rất mới. Nhưng hiện nay, các nhà đầu tư cá nhân ở Việt Nam đã tự trang bị nhiều kiến thức hơn, tự mình phân tích, đọc báo cáo tài chính của các công ty.
Đây là một xu hướng tiềm năng mà chúng ta nên đầu tư.
3. XU HƯỚNG ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN LÂU DÀI SAU ĐẠI DỊCH COVID-19 CÓ TIỀM NĂNG HAY KHÔNG?
Quy mô sẽ phát triển rộng bởi vì nhiều doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán và nhiều nhà đầu tư và luật cung – cầu gia tăng, sau khoảng thời gian lâu dài, khoảng từ 3 -5 năm xu hướng đầu tư chứng khoán vẫn tiếp tục gia tăng. Chúng ta nên có một cái nhìn dài hạn và tổng thể hơn.
Đầu tư càng sớm càng tốt. Nếu chần chừ, không đầu tư thì chúng ta sẽ đánh mất chi phí cơ hội, vì tiền để dành trong két sắt thì không thể sinh lời, tiền để dành trong thẻ tiết kiệm thì có lãi suất rất thấp, không đáng kể. Nếu đầu tư (quỹ, bất động sản, trái phiếu) thì tự nhiên tiền sẽ đẻ ra tiền.
[Còn tiếp]
Bạn có thể xem ở đây Kỳ 2
Bài: Navigator Media